Sáng thứ 6 ngày 22- 2- 2019, học sinh khối 4 được tham quan học tập thực địa tại làng gốm Chu Đậu. Đây là một làng gốm cổ nằm tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Vừa đặt chân đến làng gốm, bước vào gian trưng bày, các em không khỏi bất ngờ trước rất nhiều những sản phẩm gốm được trưng bày tại đây. Sản phẩm gốm nào cũng rất đẹp và tinh xảo, có nhiều bình gốm cổ và gốm đương đại. Các em được cô nhân viên giới thiệu tỉ mỉ lịch sử của làng gốm, nét đặc trưng của gốm Chu Đậu. Vì vậy, các em có thêm nhiều hiểu biết về dòng gốm này. Đó là dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, được phát triển rực rỡ trong các thời kì Lý, Trần, Lê, Mạc. Vào năm 2012, chiếc bình gốm cổ Chu Đậu được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia và hiện được trưng bày tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Gốm Chu Đậu là kế thừa của gốm Vạn Yên (Hưng Đạo – Kiếp Bạc thế kỷ 13), có mặt từ cuối thế kỷ XIV, rực rỡ nhất vào thế kỷ XV – XVI. Các nghệ nhân Chu Đậu đã khai sinh một dòng gốm quý với nước men sáng và vẻ đẹp tinh tế, không chỉ kế thừa xuất sắc gốm Lý – Trần về men ngọc và hoa văn với kiểu dáng thanh thoát mà còn vượt trội các di tích về chất lượng gốm hoa lam.Vì vậy, gốm Chu Đậu còn được coi là dòng gốm bác học.
Hình ảnh học sinh khối 4 đang lắng nghe giới thiệu về làng gốm
Sau đó, các em được đến thăm lò gốm và xưởng gốm. Tại xưởng gốm, các em được nhìn tận mắt quy trình sản xuất gốm. Sản phẩm gốm được tạo nên trong quá trình lao động, sáng tạo với quy trình kĩ thuật chặt chẽ, chuẩn xác từ khâu làm đất, tạo hình sản phẩm, trang trí hoa văn, tráng men và nung đốt. Bạn nào cũng vô cùng thích thú khi nhìn thấy các nghệ nhân trang trí hoa văn trên gốm mộc. Dưới bàn tay tài hoa của các cô chú mà những cảnh vật tuyệt đẹp hiện ra. Đó là những khung cảnh thiên nhiên như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, đàn cá bơi dưới nước, mái nhà ven sông, vườn hoa muôn màu, hoa lá cách điệu... hiện lên thật sinh động.
Hình ảnh học sinh lớp 4A1 đang quan sát nghệ nhân trang trí hoa văn
Hình ảnh học sinh lớp 4A2 bên bình gốm thô đã được trang trí
Điều thích thú nhất là các em được thử làm nghệ nhân bằng cách trang trí hoa văn trên những chiếc đĩa. Vẽ trên gốm khó hơn trên giấy rất nhiều, phải lấy màu vẽ và thật nhẹ tay trang trí. Nếu để màu vẽ vón cục hoặc vẽ đậm quá thì khi nung đĩa sẽ hỏng, sản phẩm gốm sẽ không hoàn thành được. Bạn nào cũng say sưa, tỉ mỉ vẽ. Sau khoảng nửa tiếng trang trí, ai cũng có trên tay sản phẩm của mình, có nhiều chiếc đĩa được vẽ khá đẹp thể hiện sự khéo léo của các em.
Các em đang chăm chú trang trí hoa văn
Một số sản phẩm gốm của học sinh khối 4
Cuối buổi học, các em được tham gia trò chơi học tập: “Ai nhanh, ai đúng”. Hai đội chơi thi ghép nhanh và chính xác quy trình 5 bước sản xuất gốm Chu Đậu. Với tinh thần học hỏi, với kiến thức vừa được tiếp thu trong buổi học, hai đội đã nhanh chóng hoàn thành phần chơi của mình trong tiếng reo hò, cổ vũ của các bạn.
Tạm biệt làng gốm cổ, các em lại trở về ngôi trường nhỏ bé thân yêu của mình. Bạn nào cũng vui mừng vì qua buổi học này thu hoạch được rất nhiều kiến thức thực tế đầy bổ ích. Những chiếc đĩa được tự tay trang trí sẽ có mặt trên các bàn ăn trong mỗi gia đình các em. Đó cũng là một cách đóng góp, quảng bá cho thương hiệu gốm Chu Đậu. Mong rằng sản phẩm gốm của làng Chu Đậu sẽ ngày càng tinh xảo, đáp ứng được sự mong mỏi của đông đảo quý khách hàng trong nước và quốc tế. Buổi học thực địa thật thú vị. Qua buổi học này, các em có thêm nhiều hành trang tri thức, niềm tự hào cũng được nhân lên về làng gốm Chu Đậu nói riêng và các làng nghề trên đất nước Việt Nam nói chung.
Một số bức ảnh kỉ niệm của các lớp: