Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tọa lạc trên khu đất rộng gần 4,4 ha với khuôn viên đẹp, rợp bóng cây xanh bên đường Nguyễn Văn Huyên-quận Cầu Giấy-Hà Nội, Đây là một trung tâm trưng bày và lưu giữ quý về 54 dân tộc Việt Nam, một địa chỉ văn hóa nổi tiếng thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước. Nơi trưng bày nền văn hóa đặc sắc 54 dân tộc Việt Nam…
Bảo tàng hiện có 2 khu trưng bày: Tòa nhà Trống Đồng trưng bày văn hóa Việt Nam, Vườn Kiến trúc là khu trưng bày ngoài trời. Ngoài ra, Tòa nhà Cánh Diều đang xây dựng là khu thứ 3, sẽ trưng bày văn hóa Đông Nam Á.
Đối với khu ngoài trời, các em học sinh được tham quan 9 công trình kiến trúc dân gian cùng một số hiện vật lớn như: Nhà rông của người Ba Na, nhà sàn dài của người Ê Đê, nhà sàn của người Tày, nhà nửa sàn nửa đất của người Dao, nhà trệt lợp ván pơmu của người H’mông, nhà ngói của người Việt, nhà trệt của người Chăm, nhà trình tường của người Hà Nhì, nhà mồ của người Gia Rai. Xen giữa các công trình kiến trúc dân gian đó là cây xanh các loại, các lối đi quanh co và con suối uốn khúc chảy suốt 4 mùa, có cầu bắc nối đôi bờ. Bên cạnh nhà ở, bảo tàng còn tái hiện thêm các không gian và hiện vật khác như cối giã gạo bằng sức nước, ghe Ngo, biểu diễn múa rối nước dân gian…
Hình 1: Học sinh tham quan nhà Rông
Hình 2: Học sinh được quan sát các đồ dùng trong sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Những hiện vật trưng bày tại bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, ở đó mỗi bản sắc văn hóa vùng miền lại có góc "khoe sắc" riêng, rất độc đáo.
Chuyến học tập thực địa diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng đã mang tới nhiều bài học bổ ích về đất nước, con người Việt Nam; bồi đắp thêm tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các em học sinh thân yêu.