Đến với làng cổ Bát Tràng, học sinh được học tập tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt. Tại đây, các em được biết làng gốm Bát Tràng hình thành từ sự chung tay, góp sức của 23 dòng họ mang nghề tư quê cũ ra dựng phường lập nghiệp; nay chỉ còn 19 dòng họ gốc vẫn quần tụ nối nghiệp cha ông phát triển nghề ngày càng thịnh vượng.
Với kiến trúc độc đáo, tham quan trung tâm, học sinh sẽ cảm giác như đang đi vào lòng của lò gốm thủ công xưa: xung quanh là những bức vách, ngăn lò chất chồng sản phẩm gốm, lấp ló ánh sáng bập bùng của lò khi nung. Tổng diện tích dành cho trưng bày Bảo tàng là 500m2, với các chủ đề chính:
- Sự hình thành nghề và làng gốm Bát Tràng
- Câu chuyện về quy trình sản xuất gốm của làng Bát Tràng.
- Ngôi nhà tưởng niệm mô phỏng lại gian nhà của cụ Lê Văn Vấn - một nghệ nhân được phong tặng từ thời Pháp.
- Không gian tôn vinh, giới thiệu về các sản phẩm của những nghệ nhân là con em của 19 dòng họ sản xuất gốm hiện nay của làng Bát Tràng - những con người đã dành cả cuộc đời để khôi phục, phát huy và phát triển nghề gốm của cha ông.
- Cuối cùng là không gian trưng bày nghiên cứu khoa học về nghề gốm. Đây là không gian dành cho những công chúng quan tâm sâu đến nghề sản xuất gốm và nghiên cứu về gốm.
Một số hình ảnh học sinh tham quan tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt:
Hoạt động được học sinh thích thú nhất đó là các em được nghe hướng dẫn cách tạo hình sản phẩm trên bàn xoay, được tự tay làm một sản phẩm từ đất sét. Những đôi tay khéo léo đã nặn ra được những chiếc bát, chiếc cốc, lọ hoa xinh xinh! Sau đó các con được trải nghiệm quy trình tô, vẽ sản phẩm. Buổi học kết thúc trong niềm vui và chút nuối tiếc vì thời gian trôi qua nhanh quá! “Con muốn chờ xem sản phẩm của con sau khi nung lên sẽ như thế nào?” – Một học sinh bày tỏ.
Buổi học giúp học sinh tiếp thu một cách tự nhiên không gò bó về quy trình sản xuất gốm sứ truyền thống, các con còn được biết về các lò nung gốm: Ngày trước khi chưa có kĩ thuật cải tiến như bây giờ dân làng Bát Tràng thường dùng các loại lò chính như lò bầu, lò ếch, lò hình hộp và lò ga. Hiện nay hai loại lò được sử dụng phổ biến tại Bát Tràng là lò hình hộp và lò ga. Sản phẩm ra lò có chất lượng cao, đẹp mắt vừa không làm ô nhiễm môi trường.
Một buổi học nhưng đã tích hợp trong đó nội dung của môn Đạo đức: giáo dục cho học sinh hiểu và yêu quý người lao động, có ý thức giữ gìn, phát huy, bảo tồn các giá trị truyền thống làng nghề của dân tộc Việt Nam; môn Tự nhiên và xã hội: tham quan và biết về “Làng nghề ở nơi em sống” vừa hiểu người lao động đã cải tiến thế nào để giảm thiểu khí thải ra môi trường; môn Mĩ thuật; sự khéo léo của đôi bàn tay qua việc tạo hình, khả năng phối hợp nhuần nhuyễn giữa tay và mắt, luyện cho mắt tinh, bàn tay linh hoạt, khéo léo hơn, rồi tưởng tượng, sáng tạo để phối màu cho sản phẩm thêm đẹp mắt, ấn tượng.
Sẽ còn nhiều giờ học tại thực địa hấp dẫn và lí thú cho các con trong thời gian tiếp theo! Chúc các con chăm ngoan, học giỏi và luôn hào hứng với các tiết học!
Một số hình ảnh học sinh thực hành và bài thu hoạch sau buổi học: