Những buổi học tập tại thực địa dành cho học sinh là một phương pháp giáo dục trực quan được tổ chức có hiệu quả trong chương trình học tập của học sinh tại TH Đô thị Sài Đồng. Song song với việc học các bài học trong chương trình sách giáo khoa, các em học sinh vẫn được bố trí thời lượng chính khóa để học tập tại thực địa. Các địa điểm được nhà trường lựa chọn thường là các bảo tàng, khu bảo tồn đa dạng sinh học hay các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, làng nghề truyền thống.
Năm học 2022- 2023, học sinh TH Đô thị Sài Đồng có cơ hội để trải nghiệm liên môn tại nơi được coi là cái nôi của gốm Việt – Làng Gốm Bát Tràng.
Hình 1. Học sinh có cơ hội để trải nghiệm liên môn tại nơi được coi là cái nôi của gốm Việt – Làng Gốm Bát Tràng.
Bát Tràng là một trong những địa điểm du lịch khá thú vị, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km. Làng gốm Bát Tràng hình thành từ sự chung tay, góp sức của 23 dòng họ mang nghề tư quê cũ ra dựng phường lập nghiệp; nay chỉ còn 19 dòng họ gốc vẫn quần tụ nối nghiệp cha ông phát triển nghề ngày càng thịnh vượng. Để tri ân công đức tổ nghề, công ơn đối với tổ tiên, với một ước nguyện gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của nghề gốm và làng văn Bát Tràng nói riêng, sự kết nối giữa các giá trị truyền thống làng nghề Việt nói chung, bà Hà Thị Vinh - hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Hà Hữu, công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội các làng nghề Việt Nam... đã dành hết Tâm và Tài của mình để xây dựng nên Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt.
Hình 2. Toàn cảnh Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt.
Trong khuôn khổ buổi học tập, các em học sinh được chiêm ngưỡng không gian Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, nơi mà sự kết hợp giữa điêu khắc truyền thống của các vật liệu: gốm, gỗ, đồng, đá… và ánh sáng tạo nên những tác phẩm tranh ấn tượng và độc đáo. Càng bất ngờ hơn khi các em được tìm hiểu và giới thiệu về chủ nhân của công trình này là Bùi Văn Tự, chàng trai sinh năm 1992 - tác giả của bộ môn Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng đạt tới đỉnh cao tại Việt Nam. Những tác phẩm được tạo nên lấy cảm hứng từ đức Phật, hay những câu chuyện văn học, doanh nhân, nghệ sỹ. Từ đây, nhiều hình ảnh sẽ được hiện lên nhờ kỹ thuật ánh sáng, tạo cho người xem một sự liên tưởng đẹp đẽ về cuộc sống. Các kiến thức tích hợp liên môn được giới thiệu một cách gần gũi với các em học sinh tiểu học.
Hình 3. Học sinh được chiêm ngưỡng không gian Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng
Hơn hết, trong chương trình học tập, các em học sinh được trải nghiệm thông qua trò chơi để tìm hiểu sự hình thành nghề và làng gốm Bát Tràng, câu chuyện về quy trình sản xuất gốm của làng Bát Tràng. Học mà chơi, chơi mà học- Triết lí giáo dục ấy được các thầy cô giáo của TH Đô thị Sài Đồng vận dụng linh hoạt tại những giờ học tập tại thực địa như thế này.
Trải qua đầy đủ các bước làm gốm từ Thấu, Chuốt, Trạm, Tráng và Nung, các em học sinh như được hóa thân thành người nghệ nhân Làng Gốm Bát Tràng đích thực. Nhà trường tin rằng những kiến thức về địa lí, lịch sử, tự nhiên- xã hội mà các em học sinh được trải nghiệm trong buổi học tập bổ ích này cùng với sự tự hào về Tổ quốc sẽ ngày càng được nuôi dưỡng và phát triển trong mỗi học sinh TH Đô thị Sài Đồng.
Hình 4. Học sinh được giới thiệu và hướng dẫn bước tạo hình sản phẩm bởi các nghệ nhân của làng gốm
Hình 5. Học sinh được trải nghiệm quy trình taọ hình sản phẩm
Một số hình ảnh của buổi thực địa: