GD&TĐ - Thông qua những trò chơi cũng như hoạt động trải nghiệm, học sinh sẽ được thực hành nhiều hơn các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế cuộc sống.
|
Các em học sinh Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng được làm quen với các hoạt động trải nghiệm về Khoa học, STEM ngay trên lớp. |
Kích thích tư duy của học trò
Ngày 24/11, tại Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, TP Hà Nội) đã diễn ra chương trình "Ngày hội em vui sáng tạo" cho học sinh toàn trường.
Cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng cho biết, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai đến lớp 3. Trong đó, nội dung, phương pháp dạy học hướng tới phát triển kiến thức, phẩm chất, năng lực người học, giáo viên cần sáng tạo hình thức tổ chức dạy học phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuối, lấy học sinh là trung tâm, khơi gợi hứng thú học tập cho các em.
|
Cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng cho hay, nhà trường luôn tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh trải nghiệm để phát triển tư duy.
|
Với chương trình dạy học của trường chất lượng cao, nhà trường lựa chọn và phát huy hình thức dạy học thông qua chơi và hoạt động trải nghiệm nhằm phát triển tư duy, giúp học sinh trải nghiệm sự hấp dẫn và vẻ đẹp của khoa học và Toán học. Từ đó tạo môi trường ứng dụng các kỹ năng và kiến thức khoa học gắn với các tình huống thực tế, bối cảnh khoa học và xã hội, hình thành phản xạ và năng lực tư duy với Toán học.
"Thông qua những hoạt động này, các em biết liên hệ, vận dụng kiến thức đã học vào thực tế một cách linh hoạt, sáng tạo. Điều này góp phần quan trọng vào quá trình hình thành tư duy logic, phát triển toàn diện của học sinh đã và đang được phụ huynh đồng tình ủng hộ, phù hợp với đặc điểm của trường chất lượng cao của thành phố" - cô Lê Thị Thu Hường nhấn mạnh.
Sân chơi mang tính sáng tạo
|
Trò chơi xếp que diêm thành những phép toán hợp lý thu hút sự tham gia của nhiều học sinh.
|
Các hoạt động chính của sự kiện ngày 24/11 bao gồm trải nghiệm với Toán PoMath thông qua các game: Bài toán tô màu, Que diêm nhỏ sáng tạo lớn, Trí uẩn 7 mảnh ghép kì diệu, Giải mã mê cung, Xếp toán cộng trừ, Ai nhanh nhất.
Về trải nghiệm STEM, học sinh được làm quen với chủ đề ô nhiễm không khí, quản lý rác thải, năng lượng bền vững, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học qua các lớp học Lego Robotics, lớp học tìm hiểu môi trường.
Đấu trường Vươn cao tỏa sáng: Các em được thử thách với các câu hỏi trắc nghiệm về kiến thức Lịch sử, Địa lý, Toán học, Tiếng Việt, hiểu biết tự nhiên và xã hội với bộ Wevote. Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sân chơi trắc nghiệm cho học sinh.
|
Các em được thử thách bằng các câu hỏi Toán, Khoa học bằng Tiếng Anh theo hình thức loại trực tiếp. |
Scientist Squad: Thử thách với kiến thức Khoa học (Science), Toán (Maths) bằng tiếng Anh trên thảm đấu loại trực tiếp. Các sân chơi này rất bổ ích cho học sinh và không phải thu phí, nhà trường thiết kế và đầu tư phần thưởng cho các em.
Là giáo viên công tác tại trường từ những ngày đầu thành lập, cô Nguyễn Huyền Trang chia sẻ, trải qua 8 năm nỗ lực không ngừng phấn đấu và phát triển với triết lý giáo dục “Trải nghiệm thú vị, giúp trẻ em phát huy tối đa năng lực tư duy”, chương trình "Ngày hội cùng em sáng tạo" là sân chơi bổ ích được cô trò rất đón chờ hàng năm.
|
Cô Nguyễn Huyền Trang và các em học trò cùng tham gia trải nghiệm về hoạt động giáo dục STEM tại trường.
|
Theo cô Trang, các em được tiếp cận hình thức học tập mới, được trải nghiệm và thả mình vào những trò chơi mang tính tư duy. Ngoài phát huy sở trường cá nhân, học sinh cũng tích cực rèn luyện khả năng làm việc và chơi theo nhóm, học mà chơi, chơi mà học. Ngay cả các giờ học trên lớp cũng được bố trí linh hoạt khi xen kẽ các trò chơi đầu giờ, hoạt động củng cố cuối tiết khiến học sinh rất hào hứng.
"Có những tuần học được giáo viên chuyển thành hình thức dạy học dự án. Ví dụ trong môn Khoa học, các em tìm hiểu về chủ đề nước như nguyên nhân nước bị ô nhiễm, làm cách nào để bảo vệ nguồn nước... Thay vì chỉ qua ghi chép truyền thống thì học sinh sẽ tự tìm hiểu thông tin và mang đến lớp trình bày có thể dưới dạng tranh vẽ, poster, bài thuyết trình hoặc mô hình dạng STEM như máy lọc nước tự chế bằng chai nhựa. Khi đó sẽ rất trực quan và giúp học sinh hiểu bài sâu hơn", cô Trang tâm sự.
Link bài viết: https://giaoducthoidai.vn/kich-thich-tu-duy-thong-qua-choi-va-hoat-dong-trai-nghiem-post616463.html