Mỗi khi nghe giai điệu rộn ràng, tươi vui của những khúc ca xuân cất lên, vang nhịp quanh đây đó, lòng người lại xốn xang, lâng lâng bao niềm xúc cảm. Hẳn có người sẽ bảo xuân năm nào chả vậy, có gì lạ lắm đâu. Xuân của đất trời theo định kỳ hằng năm vẫn luôn trở lại như thế. Xuân về đem lại nhịp sống sinh sôi, hoa lá đơm bông, vạn vật rạng ngời. Ấy vậy mà, cứ mỗi độ đất trời rạo rực vào xuân lại luôn gieo vào lòng bao điều tươi mới. Lòng người đong đầy những cảm xúc yêu thương với âm điệu nhẹ nhàng, êm ái, tràn đầy niềm vui cùng bao điều ước vọng.
Xuân về với những bước chân dịu dàng, rắc nắng đều trải khắp các lối ngõ với những sợi vàng nhẹ, mỏng mảnh như tơ, đánh thức vạn vật sau bao ngày ngủ đông im lìm. Thiên nhiên giao hòa, không gian bừng lên một sức sống căng đầy, người người náo nức niềm vui, rạng rỡ mắt biếc môi cười. Có lẽ bởi thế nên người ta vẫn thường ngóng đợi mùa xuân như ngóng trông một mùa an lành, mùa của hoa cỏ thơm hương, xôn xao lời lá hát. Xuân về, ấy là lúc trên mỗi cánh đồng, trong mỗi vườn nhà, chồi non lộc biếc bắt đầu mơn mởn xanh tươi, xanh một màu bình yên và gợi lên gam màu mát lành của sự sống.
Một năm bắt đầu từ mùa xuân, cuộc đời bắt đầu từ tuổi trẻ. Chính bởi vậy mà mùa xuân thường được ví như tuổi trẻ của cuộc đời. Thế nên mọi ước mơ dự định đều khởi đầu từ đây. Và cũng bởi thế, xuân sang người ta nô nức rủ nhau đi xem hội, chơi hội. Trong không khí náo nức của xuân mới Bính Thân 2016, quận Đoàn Long Biên đã long trọng tổ chức chương trình “ Xuân gắn kết- Tết sẻ chia” với ý nghĩa chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, quan tâm chia sẻ với những học sinh, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận Long Biên để từ đó giáo dục thế hệ trẻ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc như truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Chung tay hiện thựa hóa ý nghĩa lớn lao đó, trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng đem đến Hội xuân thanh niên Long Biên 2016 một gian hàng đặc biệt, chứa đầy yêu thương đúng như tên gọi: “Xuân yêu thương”.
Hình 1: Màn múa lân ấn tượng
Hình 2: Đại diện CMHS và BGH nhà trường chụp ảnh tại gian hàng
Nơi đây xuân về trên khắp ba miền đất nước với hình ảnh mái lá, cổng tre, hàng rào, câu đối đỏ. Đây là nét văn hóa ngày xuân trên khắp các làng quê miền Bắc: cây nêu với ý nghĩa tâm linh xua đuổi tà ma, cùng cành đào - cúc tô điểm cho sắc xuân thêm rực rỡ, đâu đây tiếng gà quen thuộc trong ổ rơm hồng – đưa ta về ăn Tết cùng với những người nông dân bình dị. Đây là hình ảnh đậm chất phương Nam - xứ miệt vườn với nhiều loại hoa quả hấp dẫn du khách: nào dừa, sầu riêng, nào vú sữa với bưởi năm roi…. Dải đất hình chữ S không thể thiếu khúc ruột miền Trung nặng tình, nặng nghĩa: ảnh Bác – người Cha già kính yêu của dân tộc luôn được đặt trang trọng ở chính giữa ngôi nhà, là mâm ngũ quả với những ước mong giản dị được gửi gắm, là bình hoa đào, hoa thược dược ngắt ở trong vườn. Đặc biệt khách đến nhà trong ngày đông giá rét cùng gia chủ thưởng thức chén trà nóng với chút kẹo ngọt thì thật là tuyệt vời.
Ngày xuân, chơi xuân , ngắm xuân còn phải dành thời gian cho ẩm thực. Gian hàng đã mang đến hội xuân món bánh chè lam - ấm nóng, cay nồng của người miền Bắc, món bánh pía – ngọt ngào của người miền Nam. Đặc biệt hơn trong những ngày cuối đông se lạnh, còn gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức một đĩa bánh bột lọc nong nóng cùng với chén nước chấm cay nồng của xứ Huế. Theo chân những người con xứ Huế đi mưu sinh, bánh bột lọc có mặt trên mọi vùng miền mà họ đặt chân đến. Cái hay của bánh bột lọc là cho dù có vào Nam hay ra Bắc, về đồng bằng hay lên vùng cao thì nguyên liệu và hương vị của bánh vẫn không thay đổi.
Sự cố gắng của mọi thành viên trong nhà trường, đặc biệt là cô giáo Mĩ thuật Thu An đã được ghi nhận bằng giải Xuất sắc dành cho gian hàng. Vui lắm chứ! Tự hào lắm chứ! Nào chúng ta hãy cùng lắng nghe mùa xuân về để thấy lòng mình xốn xang, lắng nghe hơi thở của mùa xuân rất nhẹ, rất khẽ để nghe tiếng mầm vui, nhựa sống đang rạo rực quanh đây. Xuân đã về, mùa vui đã về.
Hình 3: Lộc xuân
Hình 4: Cô và trò
Hình 5: Nụ cười xuân