Lớp học trực tuyến E – learning là lớp học mà học sinh tham gia học tập thông qua các bài giảng do giáo viên thiết kế. Bài giảng được thiết kế theo đúng trình tự của một tiết học và đảm bảo được các tiêu chí như: công nghệ, nội dung kiến thức, và phương pháp truyền đạt để đáp ứng được nhu cầu tự học của học sinh ở mọi lúc, mọi nơi (online hoặc offline). Có nhiều phần mềm để thiết kế bài giảng E – learning như ISpring, Adobe Presenter, LectureMaker, … Phần mềm nào cũng có những ưu điểm và mặt hạn chế nhất định, điều quan trọng là giáo viên cần biết cách sử dụng có hiệu quả và phát huy được thế mạnh của các phần mềm đó.
Sau đợt tập huấn diễn ra trong 3 ngày, giáo viên được tiếp cận với hệ thống lí thuyết và thực hành kĩ thuật về bài giảng elearning phong phú. Qua đó, giáo viên nắm bắt được những nội dung cốt lõi sau:
1. Những yêu cầu cần đạt của bài giảng elearning
Để cuốn hút học sinh vào bài giảng và phát huy được vai trò tự học của các em, khi thiết kế cần phát huy tối đa tính hấp dẫn của bài giảng với sự hỗ trợ của công nghệ multimedia, tích hợp kênh chữ với hình ảnh minh họa, âm thanh làm tăng thêm tính hấp dẫn của bài học.
Hình ảnh giáo viên giảng bài xuất hiện xuyên suốt tiết học tạo cho học sinh cảm giác gần gũi như học với cô giáo trên lớp của mình. Nhóm các trang có giáo viên giảng bài, dẫn dắt nội dung tiết học không chỉ đơn thuần được tạo ra bằng cách ghi hình ảnh giáo viên mà còn biên tập video bằng các phần mềm xử lí, dựng phim như phần mềm Adobe, phần mềm Edius... cho phép lồng ghép hình ảnh động, hình ảnh tĩnh vào phông nền.
Trong lớp học elearning, cách đưa kiến thức, nội dung học tập đến với học sinh cũng rất đa dạng: tài liệu tham khảo, bài tập thêm cho học sinh dưới dạng tài liệu đính kèm. Học sinh có thể lựa chọn các tài liệu tham khảo để xem nếu thấy cần thiết.
Ưu điểm nổi bật của lớp học truyền thống đó là học sinh dễ dàng trao đổi trực tiếp với bạn bè, thầy cô giáo, đây cũng chính là thách thức không nhỏ đối với lớp học E – learning. Vì thế, việc đưa những video với sự tham gia trực tiếp của học sinh trong thảo luận nhóm, tình huống thực tế, hướng dẫn dự án … sẽ rút ngắn khoảng cách giữa lớp học ảo và lớp học truyền thống.
Sử dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung dạy học trong sách giáo khoa để bài giảng trở nên nhẹ nhàng, sinh động hơn. Chẳng hạn: Để hình thành kiến thức cho học sinh, có thể thay thế câu chuyện trong sách bằng cách sử dụng đoạn phim hoạt hình, thiết kế đơn vị kiến thức bằng những thí nghiệm áo hoặc trò chơi flash… nhằm thu hút sự tập trung chú ý của các em vào bài học.
Một trong những thế mạnh của E – learning là hệ thống bài tập tương tác. Các bài tập tương tác chính là xương sống của bài giảng. Có nhiều dạng bài tập tương tác để giáo viên lựa chọn thiết kế cho phù hợp với nội dung, mục đích và đối tượng học tập như: bài tập lựa chọn, đúng - sai, kéo thả, điền khuyết, định vị, … Khi làm các bài tập tương tác, học sinh luôn nhận được những ý kiến động viên, phản hồi từ phía giáo viên.
Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả các dạng bài tập tương tác trên phần mềm Adobe Presenter 9.0, Ispring 7.0, … có thể kết hợp với phần mềm thiết kế sơ đồ tư duy như phần mềm ImindMap . Học sinh được làm bài tập trên sơ đồ tư duy sẽ hệ thống được kiến thức một cách rõ ràng và cụ thể hơn.
Thiết kế trò chơi học tập trên phần mềm Violet và đưa vào bài giảng. Trò chơi sinh động, hấp dẫn sẽ tạo hứng thú học tập cho học sinh.
2. Một số nguyên tắc soạn bài giảng elearning
Soạn một bài giảng E learning cũng đòi hỏi những quy tắc nhất định nhằm tạo nên hiệu quả cao nhất.
Trước hết, Giáo viên phải hiểu sâu và nắm chắc nội dung bài giảng, trên cơ sở đó mới có thể thể hiện kiến thức với sự phối hợp mô hình hóa cao bằng các bảng biểu, sơ đồ, hình ảnh, phim video... một cách khoa học, bớt trừu tượng và giúp HS dễ hiểu bài hơn và thấy hứng thú hơn trong quá trình học.
GV sử dụng phối hợp nhiều công cụ hỗ trợ soạn giảng, tạo ra môi trường học tập hấp dẫn.
Bài giảng phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng và tạo cơ hội tương tác ở mức độ cao nhất, phù hợp năng lực của học sinh nhằm phát huy hiệu quả quá trình học của ngươi học.
E-learning có nhiều ưu điểm so với phương pháp dạy học truyền thống, tạo ra được một môi trường tốt phục vụ cho phương pháp dạy học tương tác, cá nhân hóa người học. Tuy nhiên, e-learning cũng chưa phải là công cụ thần kỳ có thể thay thế phương pháp học truyền thống. Vì vậy, giải pháp tốt nhất vẫn là kết hợp sử dụng e-learning bổ sung cho phương pháp giảng dạy truyền thống. Và trong đó, vai trò của người giáo viên là tiên quyết trong việc thiết kế và sử dụng bài giảng elearning trong dạy học, đáp ứng tối đa mục tiêu phát huy năng lực và phẩm chất cho học sinh.