Trong những năm gần đây, phong trào đổi mới phương pháp dạy học trong trường Tiểu học được quan tâm và đẩy mạnh không ngừng nhằm đáp ứng đòi hỏi về phát triển năng lực của học sinh.Sự phát triển của công nghệ thông tin, các phương tiện đại chúng, mạng xã hội, … mang lại không ít những lợi ích song cũng đem tới nhiều hệ lụy. Học sinh có nhiều cách tiếp cận thông tin nhưng cũng vì thế bị bó hẹp trong bốn bức tường lớp học, với sách vở và máy tính. Thực tế, rất nhiều kiến thức môn Lịch sử - Địa lí – TNXH (Khoa học) “khô cứng” trong sách vở hoàn toàn có thể được tiếp nhận một cách tự nhiên, khiến chúng dễ nhớ, dễ hiểu. Đó là một trong những nguyên nhân khiến hiện nay dạy học tại thực địa (DHTTĐ) được quan tâm khai thác và được vận dụng có mục đích trong dạy học. DHTTĐ chính là việc tổ chức các hoạt động DH trong môi trường thực tế; gắn với việc trao quyền và trách nhiệm giải quyết vấn đề cho HS thông qua các hoạt động tích cực như hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm, thu thập thông tin phản hồi, … nhằm đáp ứng sở thích học tập của người học và nâng cao hiệu quả giáo dục.
Trong những năm học vừa qua, trường TH Đô thị Sài Đồng đã không ngừng nghiên cứu, tìm tòi và tổ chức cách thức DHTTĐ đối với môn Lịch sử- Địa lí- Khoa học cho đối tượng học sinh lớp 1- 5, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Năm học 2019- 2020, trong đợt học tập tại thực địa lần thứ nhất, nhà trường đã tổ chức cho học sinh khối 1- 5 được trải nghiệm tại Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam. Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam thực hiện chức năng nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản, tổ chức trưng bày, giới thiệu các sưu tầm mẫu vật và tư liệu về tài nguyên rừng và đa dạng sinh học ở Việt Nam liên quan quá trình phát triển ngành Lâm nghiệp, phục vụ yêu cầu phổ biến kiến thức, giáo dục, nghiên cứu khoa học, tham quan du lịch.Cơ cấu của Bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam gồm:
- Khu trừng bày trong nhà gồm nhà Bảo tàng, bộ sưu tập mẫu vật chuyên ngành, vườn thực vật. Nhà bảo tàng là nơi trưng bày các tiêu bản mẫu khô về động vật, thực vật, côn trùng… của tài nguyên rừng Việt Nam.Vườn thực vật là nơi gây trồng một số loài thực vật ở các vùng sinh thái rừng Việt Nam, để Bảo tàng thực sự trở thành nơi đáp ứng được yêu cầu nhiều mặt của công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục môi trường thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của mội đối tượng đây là đặc thù riêng mà nhiều nơi không có được.
- Khu trừng bày ngoài trời là mạng lưới cơ sở của Bảo tàng gồm các vườn thực vật thuộc trường Đại học Lâm nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Những điều kiện trên đây rất phù hợp với mục tiêu dạy học tích hợp các bài học thuộc chủ điểm thiên nhiên trong chương trình TNXH, Khoa học đối với HS tiểu học. Bộ phận phụ trách chuyên môn nhà trường đã chỉ đạo các tổ khối xây dựng kế hoạch dạy học trong đó làm rõ mục tiêu và nội dung dạy học tích hợp, phương pháp và hình thức tổ chức lớp học, nhóm học.
Với sự chuẩn bị kĩ lưỡng, các con HS nhà trường đã có đợt học tập tại thực địa vô cùng bổ ích. Lần đầu tiênđược hóa thân thành những “nhà thám hiểm”, các con đã có chuyến “phiêu lưu rừng xanh” kỳ thú tại Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam, quan sát thế giới động thực vật sống động, hòa mình vào thiên nhiên trong lành.Các con đã được tận mắt quan sát nhiều loài động vật quý hiếm như: Gấu, hổ, rắn, đại bàng, thằn lằn… Ngoài ra các bạn nhỏ cũng được các cô hướng dẫn viên đưa đi tham quan một “khu rừng nhỏ” với đa dạng các loài thực vật mà lần đầu tiên các con mới được nghe tên như: săng lẻ, máu chó, ràng ràng…Sau cuộc hành trình xuyên rừng, các con lại tiếp tục được tham quan các phòng mẫu vật để tìm hiểu, khám phá về các tài nguyên rừng như: côn trùng, chim thú, động vật hoang dã, lưỡng cư, bò sát.. được thu thập từ khắp các vùng miền trên cả nước. Những mẫu vật nơi đây từ loài chim đến loài thú đều là vật thật, sống động đến từng chi tiết khiến các con không khỏi trầm trồ, nhất là khi lắng nghe phần giới thiệu từ các cô giáo.
Học sinh khối 1 còn được tham gia hoạt động sáng tạo cùng với lá cây. Không phải chỉ vẽ bình thường đâu nhé, các con được phát những chiếc lá có hình thù màu sắc khác nhau, rồi được các cô giáo chỉ bảo nhiệt tình cách in hình chiếc lá chỉ bằng giấy và bút sáp. Các con tự tay cắt những chiếc lá nhiều màu sắc và ghép lên một bức tranh về loài vật đã và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Qua hoạt động này các con hiều thêm rằng, một người không thế bảo vệ được rừng nếu như không có sự chung tay góp sức của những người khác. Các con HS lớp 2 rất hào hứng với các trò chơi vận động và ghép tranh để củng cố kiến thức.
Việc học tập tại thực địa luôn gắn với các sản phẩm thu hoạch. Các con được cô giáo định hướng sản phẩm thực hiện trước, trong và sau khi buổi học diễn ra. Cụ thể:
- Trước buổi học:Giáo viên yêu cầu học sinh tự tra cứu trên mạng internet, tìm hiểu qua sách báo về địa điểm diễn ra buổi học thực địa, về các nội dung kiến thức có liên quan sẽ được tìm hiểu trong buổi học thực địa theo các câu hỏi hoặc tình huống nêu vấn đề; hướng dẫn HS xây dựng biểu thời gian và nội dung tìm hiểu chi tiết.
- Trong buổi học:Học sinh tập trung quan sát, tìm hiểu, ghi chép, chụp ảnh các đối tượng chính có liên quan đến nội dung học tập.
- Sau buổi học: Học sinh tiếp tục về nhà nghiên cứu, bổ sung các thông tin theo hệ thống các vấn đề, câu hỏi (thường được xây dựng bằng hệ thống phiếu), xây dựng thời gian biểu để góp ý tư vấn cho từng HS, nhóm HS.
Khép lại hành trình vô cùng ý nghĩa, các con học sinh đã học hỏi được nhiều kỹ năng bổ ích như: làm việc nhóm hiệu quả, kỹ năng quan sát, ghi nhớ thông tin, đặt câu hỏi, kỹ năng tự phục vụ, văn minh lịch sự nơi công cộng… Các con cũng rất hào hứng mong chờ các chương trình học tập tại thực địa tiếp theo.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ CHUYẾN HỌC TẬP TẠI THỰC ĐỊA
Hình ảnh: Tác phẩm của học sinh
Hình ảnh: Thông điệp ý nghĩa được học sinh gửi gắm sau chuyến thực địa
Hình ảnh: Đôi dòng cảm nhận của học sinh