Tại đây, thầy và trò nhà trường đã được nghe bác Nguyễn Đăng Chế- nghệ nhân đời thứ 20 của dòng họ Nguyễn Đăng chuyên làm tranh Đông Hồ - đã giới thiệu chi tiết về lịch sử phát triển, các nguyên liệu và công đoạn để làm ra một bức tranh Đông Hồ hoàn hảo.
Hình ảnh: Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu về lịch sử và các giá trị văn hóa của làng tranh Đông Hồ
Làng tranh Đông Hồ là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chừng trên 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ nam sông Đuống, cạnh bến đò Hồ, nay là cầu Hồ.
Đông Hồ là một làng nhỏ với hơn 220 hộ dân, sinh sống bằng nghề làm tranh và hàng mã nhiều hơn làm nông nghiệp, nơi còn lưu giữ cách làm tranh cổ xưa nhất của vùng đất Kinh Bắc. Ca dao Việt Nam đã có những khắc họa thật sinh động về làng tranh Đông Hồ với hình ảnh một làng quê dung dị nằm nép mình bên dòng sông Đuống hiền hòa, nổi bật với những chuẩn mực đạo đức được cổ súy giữ gìn qua bao đời, đã tạo nên cung cách ứng xử độc đáo của người làng Mái: trọng danh dự, khí tiết, ăn nói lịch lãm, trên dưới thưa gửi rõ ràng và hiếm khi trong làng có người to tiếng chửi mắng nhau…
“Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh.”
Xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVI, tranh Đông Hồ được hình thành bằng phương pháp thủ công, là kết tinh của sự khéo léo và nhẫn nại, cộng với nghệ thuật thẩm mỹ đầy tinh tế… Đây không phải là những bức tranh được vẽ theo cảm hứng nhưng được in lại qua những bản khắc, và để có bản khắc đạt đến độ tinh xảo, đòi hỏi ở người vẽ mẫu cũng như người khắc ván phải có lòng yêu nghệ thuật và trình độ kỹ thuật cao. Tranh Đông Hồ có đến 180 loại được phân thành 5 loại chính gồm tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh.
Thú vị hơn khi các bạn nhỏ còn được trực tiếp tham gia làm tranh dưới sự hướng dẫn nhiệt tình, tỉ mỉ của những nghệ nhân giàu kinh nghiệm. Bạn nhỏ nào cũng ngạc nhiên trước sự cầu kì để làm ra một bức tranh, hào hứng khi bắt tay vào thực hiện.
Hình ảnh: Học sinh hào hứng thực hành công đoạn in tranh trên giấy điệp
Buổi học tập thực địa không chỉ giúp các bạn nhỏ học hỏi nhiều điều bổ ích mà hơn hết còn được trải nghiệm tại một làng tranh hội tụ nét trầm tích văn hóa. Mong rằng sau chuyến đi, mỗi bạn nhỏ sẽ thêm yêu và trân trọng tranh Đông Hồ cũng như những giá trị bền vững của nó.
Hình ảnh: Học sinh thích thú với sản phẩm mình làm