Thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023, trường tiểu học Đô thị Sài Đồng đã tổ chức chuyên đề môn Khoa học lớp 4 với bài “Ánh sáng và bóng tối” theo phương pháp "Bàn tay nặn bột". Tiết học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động lĩnh hội kiến thức đồng thời tạo không khí học tập sôi nổi, hào hứng cho các em học sinh. Cô giáo Nguyễn Huyền Trang cùng các bạn học sinh lớp 4A5 đã thể hiện tiết dạy và có sự tham gia dự giờ của Ban giám hiệu nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm khối 4, 5.
Ảnh 1, 2. Tiết Khoa học lớp 4 được vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột”
“Bàn tay nặn bột” là mô hình giáo dục tương đối mới trên thế giới, có tên tiếng Anh là “Hands on” có nghĩa là “bắt tay vào hành động”, “bắt tay vào làm thí nghiệm”, “bắt tay vào tìm tòi nghiên cứu”. Phương pháp dạy học này tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề.
Ảnh 3, 4: Học sinh tích cực thảo luận để đặt câu hỏi, dự đoán câu trả lời và các phương án thực nghiệm
Ở tiết Khoa học lớp 4, bài “Ánh sáng và bóng tối”, cô giáo Huyền Trang đã vận dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” và các ứng dụng công nghệ hiện đại vào tiết học. Học sinh được bắt tay vào làm thí nghiệm tìm hiểu đặc điểm về đường truyền của ánh sáng. Với các đồ dùng dễ kiếm, dễ sử dụng, học sinh lớp 4A5 hăng hái trao đổi, đặt câu hỏi, nêu dự đoán và tìm cách để kiểm chứng dự đoán của nhóm. Toàn bộ các hoạt động xây dựng kiến thức, thuyết trình, làm thí nghiệm, nhận xét, phản biện được cả lớp tham gia nhiệt tình. Cô giáo đã dẫn dắt tiết học thật sôi nổi, các con chủ động trong mọi hoạt động và tiếp nhận kiến thức một cách khoa học, dễ hiểu làm cho tiết học không bị nhàm chán mà gây được hứng thú cho người học. Phương pháp này giúp các em không chỉ nhớ lâu, mà còn hiểu rõ câu trả lời mình tìm được. Qua đó, học sinh sẽ hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ và hình thành tác phong, phương pháp làm việc khi trưởng thành.
Ảnh 5, 6: Thông qua các thí nghiệm thực nghiệm, học sinh hiểu bài, nhớ bài và làm quen với phương pháp nghiên cứu khoa học
Tiết dạy đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sau khi tham dự tiết dạy, toàn thể các giáo viên đã tham gia thảo luận sôi nổi. Ban giám hiệu cũng đã định hướng rõ cách phân chia kiến thức, thời gian, xây dựng kế hoạch bài học cũng như hình thức tổ chức dạy học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột” để giáo viên các khối lớp có thể áp dụng ở những tiết học khác.