Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và giáo dục trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những năm gần đây, ngành GD&ĐT đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo mô hình trường học mới nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh.
Trong đó, đổi mới nội dung và hình thức dạy học để học sinh hứng thú, có phương pháp học tập tốt làm nền tảng cho một đơn vị kiến thức mới và khó như “cảm thụ văn học ”là mục tiêu chính của các cô giáo khối 4 đặt ra. Để hoàn thành mục tiêu ấy, chiều ngày 1/10, giáo viên tổ chuyên môn khối 4 trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng đã triển khai chuyên đề “ Vận dụng phương pháp dạy học tích cực trong dạy học cảm thụ văn học cho học sinh lớp 4”
Từ thực tế cho thấy, vốn sống của các em còn hạn chế, các em chưa thật sự rung động khi tiếp xúc với một văn bản nghệ thuật và còn phụ thuộc theo sự hướng dẫn của thầy cô, tự viết bài theo cảm hứng. Bài viết của các em thường rất ngắn, nhiều bài viết còn mang tính trả lời câu hỏi mà chưa biết khai thác các hình ảnh, biện pháp nghệ thuật để phát triển ý. Khó khăn lớn của các em đầu lớp 4 là chưa được học cấu trúc đoạn văn nên việc viết một đoạn văn cảm thụ càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Với thực tế của học sinh và nhiệm vụ của khung Chất lượng cao mà nhà trường đặt ra, tập thể giáo viên tổ chuyên môn khối 4 chúng tôi dưới sự chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường đã cùng nhau xây dựng một tiết Hướng dẫn học Bổ sung nâng cao Tiếng Việt có sử dụng phương pháp sơ đồ tư duy khi dạy học với mục tiêu:
- Học sinh hiểu thế nào là cảm thụ văn học
- Học sinh biết cách khai thác các hình ảnh, biện pháp nghệ thuật để xác định nội dung và tìm ý viết câu.
- Học sinh biết sắp xếp các ý đúng với cấu trúc một đoạn văn cảm thụ.
Qua tiết học, bằng việc xây dựng sơ đồ tư duy cho đoạn văn cảm thụ, học sinh thể hiện rõ sự hứng thú, chủ động và tích cực khi hình thành sơ đồ. Các em cũng ghi nhớ nhanh hơn những hình ảnh, biện pháp nghệ thuật cần khai thác trong bài, hiểu rõ hơn giá trị nghệ thuật của chúng. Từ đó, học sinh hiểu mỗi tác phẩm văn học đều có vẻ đẹp riêng, có ý nghĩa riêng. Các em chủ động khai thác các hình ảnh, biện pháp nghệ thuật để xác định nội dung, tìm ý và sắp xếp các ý đúng với cấu trúc một đoạn văn cảm thụ.
Cuối tiết học, các em đã cho ra những bài viết tuy chưa thật xuất sắc nhưng đã khẳng định được hiệu quả của việc vận dụng phương pháp dạy học bằng sơ đồ tư duy cho học sinh khi dạy cảm thụ văn học.
Dưới đây là một số hình ảnh của tiết học:
Hình ảnh: Cô giáo Nguyễn Thị Nga cùng các bạn học sinh lớp 4A3
Hình ảnh:Phần nhận xét của giáo viên
Hình ảnh: Bài làm của một học sinh