Các tiết chuyên đề tập trung ở các môn Toán, Tiếng Việt, TNXH, Đạo đức, Tiếng Anh, Hướng dẫn học, từ lớp 1 đến lớp 5. Tiêu biểu là các tiết chuyên đề dạy trên bảng tương tác thông minh của cô giáo Phạm Thị Thúy Hằng, cô Lưu Thị Chính Phương, cô Lê Thu Nết, các tiết chuyên đề áp dụng phương pháp dạy học mô hình trường học mới VNEN của cô giáo Vũ Hoa Mơ, cô Nguyễn Thị Hồng Minh, cô Ngô Thị Thi.
Trong mỗi tiết dạy các cô giáo đã sử dụng linh hoạt trong phương pháp dạy học mới giúp học sinh hiểu bài nhanh, hào hứng với nội dung bài học. Các tiết dạy đã phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của cả người dạy và người học, thể hiện được năng lực hợp tác của học sinh trong lớp. Ngoài những yêu cầu có tính chất truyền thống như: bám sát mục tiêu giáo dục, nội dung dạy học, đặc trưng môn học; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi học sinh; giờ học đổi mới PPDH còn đạt được những yêu cầu mới như:
- Thực hiện nội dung kiến thức thông qua việc giáo viên tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh theo hướng chú ý đến việc rèn luyện phương pháp tư duy và thái độ tự tin.
- Sử dụng nguyên tắc tương tác nhiều chiều: giữa giáo viên với HS, giữa học sinh với nhau; chú trọng kết hợp học với hành, nâng cao tri thức với rèn luyện các KN, gắn với thực tiễn cuộc sống; phát huy thế mạnh của các PPDH tiên tiến, hiện đại; các phương tiện, thiết bị dạy học và những ứng dụng của công nghệ thông tin…
- Việc đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh theo đúng Thông tư 30/TT-BGD&ĐT ngày 28/8/2014.
Trong các chuyên đề thực hiên mô hình VNEN, phương pháp dạy học tích cực nhằm phát huy năng lực học sinh đã được vận dụng rõ nét. Học sinh được tổ chức thành các nhóm chủ động tìm hiểu và tổng hợp thông tin, lập báo cáo và thuyết trình nội dung của tiểu chủ đề đã tìm hiểu. Với định hướng dạy học mới này, học sinh được rèn luyện và phát triển những năng lực làm chủ và phát triển bản thân như năng lực tự học, năng lực tư duy sáng tạo, năng lực quản lý bản thân…; năng lực xã hội như năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác; năng lực công cụ bao gồm năng lực tính toán, năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin…
Việc thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh giúp cho việc học ngày càng sinh động, phát huy hiệu quả các phương tiện dạy học, tăng cường hoạt động, tính tương tác, phát huy vai trò chủ thể của người học trong việc kiến tạo tri thức, phát triển năng lực.
Sau các tiết chuyên đề, Ban giám hiệu tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ rõ ưu điểm, tồn tại, hướng khắc phục cũng như chỉ đạo các khối lớp áp dụng hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức trong các tiết học.