Việc hình thành cho học sinh một thế giới quan khoa học và niềm say mê khoa học, sáng tạo là một mục tiêu quan trọng của giáo dục hiện đại khi mà nền kinh tế tri thức đang dần dần chiếm ưu thế tại các quốc gia trên thế giới.
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” (BTNB) là một phương pháp dạy học tích cực, thích hợp cho việc giảng dạy các kiến thức khoa học tự nhiên, đặc biệt là đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở, khi học sinh đang ở giai đoạn bắt đầu tìm hiểu mạnh mẽ các kiến thức khoa học, hình thành các khái niệm cơ bản về khoa học. Tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề.
Đến với bài học Không khí có ở đâu và có tính chất gì ? (Khoa học lớp 4) theo phương pháp Bàn tay nặn bột, cô giáo Cao Thị Thu Hà đã từng bước hướng dẫn để học sinh chiếm lĩnh được kiến thức.
Để tiết học thêm phần hấp dẫn, cô giáo Hà đã chuẩn bị khá đầy đủ dụng cụ để học sinh làm thí nghiệm.: bóng bay, xi lanh, cốc, thìa……Với dụng cụ nào học sinh không biết dùng, giáo viên đều có hướng dẫn cụ thể.
Từ việc biết bộc lộ những hiểu biết ban đầu về tính chất của không khí, học sinh biết đưa ra các câu hỏi để dự đoán và rồi thực hiện thí nghiệm sôi nổi trong nhóm. Sau khi tự làm thí nghiệm, quan sát, HS thảo luận, thắc mắc… theo nhóm, cô Hà đã gọi bất kỳ một HS nào trong nhóm để trình bày các ý kiến, nếu HS nào trình bày chưa đúng với kiến thức cần cung cấp thì GV gọi thêm những HS khác cho đến khi nào đúng thì thôi.
Hình ảnh: Học sinh hoàn thành nội dung thảo luận nhóm
Hình ảnh: Đại diện các nhóm trình bày kết quả nội dung thảo luận
Tiết học được đồng nghiệp và Ban Giám Hiệu đánh giá là : giáo viên dạy nhẹ nhàng, chốt kiến thức rõ, không có các chi tiết rườm rà, đúng phương pháp.
Kết thúc tiết học, hầu hết các bạn học sinh đều cảm thấy hứng thú với phần kiến thức vừa tiếp cận. Chắc chắn sau tiết học này các bạn sẽ có thêm nhiệt huyết để tìm hiểu các nội dung kiến thức khoa hoc khác, làm giàu thêm cho vốn tri thức còn ít ỏi của mình.