Năm học 2021- 2022, Tiểu học Đô thị Sài Đồng đẩy mạnh vận dụng phương pháp “Học tập qua dự án” trong bối cảnh dạy học trực tuyến nhằm mở rộng môi trường học tập, trải nghiệm cho học sinh. “Học tập qua dự án” luôn là hành trình đầy bất ngờ với những sáng tạo và thích thú của cả các em học sinh cũng như thầy cô hướng dẫn. Các em tự khám phá những kiến thức hết sức gần gũi và đơn giản qua hình thức học mà chơi. Từ những dự án gần gũi với cuộc sống, các em được phát triển nhiều năng lực chung, năng lực đặc thù.
Trong triết lí giáo dục của mình, TH Đô thị Sài Đồng thấu hiểu rằng ngoài việc đảm bảo phát triển về kiến thức thì việc giúp học sinh hình thành và phát triển các kỹ năng sống cũng là điều vô cùng quan trọng trong thời đại hiện nay. Ngoài những kĩ năng sống đã được hệ thống hóa trong chương trình học chính khoá, hay thông qua các hoạt động trải nghiệm, thì ở TH Đô thị Sài Đồng, các em học sinh còn được tạo cơ hội thường xuyên cho việc hình thành và bồi dưỡng các năng lực chung như năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác cùng các năng lực đặc thù khác thông qua các dự án học tập bổ ích.
“Tiết kiệm, bảo vệ nước- Chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta” là thông điệp mà Dự án “Water life” ở khối 4 muốn gửi đến cộng đồng. Chính thực trạng ô nhiễm môi trường nước đáng báo động hiện nay đã thúc đẩy các giáo viên tổ 4 xây dựng ý tưởng cho dự án đầy ý nghĩa này. Các em học sinh sẽ thể hiện trách nhiệm của một công dân toàn cầu, với nhiệm vụ tìm kiếm các giải pháp, trả lại môi trường nước trong lành và an toàn. Mỗi công nhân toàn cầu ấy, với năng lực đặc biệt của mình trong các lĩnh vực như: kĩ sư môi trường, tuyên truyền viên, phóng viên, … sẽ cùng nhau làm việc nhóm một cách hiệu quả nhất để tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm sử dụng tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước.
Hình 1. Dự án môn Khoa học 4 là một trong số các dự án rất ý nghĩa của học sinh tiểu học Đô thị Sài Đồng trong năm học 2021- 2022
Trong quá trình thực hiện, các giáo viên không khỏi bất ngờ trước sự sáng tạo của các em, nhiều cách làm hay đã được đề xuất từ những chất liệu quen thuộc trong cuộc sống. Chế tạo hệ thống lọc nước, tuyên truyền nâng cao ý thức mọi người qua poster, nhãn tiết kiệm và bảo vệ nước, … là những ý tưởng tuyệt vời được chính các em học sinh đưa ra và thực hiện thành phẩm. Giải quyết vấn nạn môi trường nước bị ô nhiễm là một vấn đề lớn của toàn thế giới và cần một thời gian dài, nhưng chúng ta vẫn có quyền tin rằng những bạn nhỏ ấy sẽ từng bước một tạo ra những điều nhỏ bé và biết đâu là cả một bước ngoặt lớn lao cho Trái Đất trong tương lai.
Hình 2. Trong vai trò kĩ sư môi trường, tuyên truyền viên, phóng viên, … các em học sinh tìm hiểu về thực trạng ô nhiễm nguồn nước và cùng bắt tay thực hiện các ý tưởng nhằm sử dụng tiết kiệm,bảo vệ nguồn nước
Mục tiêu giáo dục của Nhà trường luôn tập trung phát triển cho học sinh một nền tảng vững chắc, trở thành công dân toàn cầu, đáp ứng những đòi hỏi cao trong thời đại 4.0, đồng thời vẫn duy trì những giá trị nhân văn và nét đẹp của bản sắc dân tộc. Trong đó quan tâm hình thành, bồi dưỡng cho các em phẩm chất biết ơn, nhân ái, yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc. Dịp chào mừng kỉ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, các em học sinh khối 2 tham gia dự án “Góc học tập em yêu” – một dự án nằm trong khuôn khổ chùm hoạt động theo chuyên đề “Noi gương tác phong anh bộ đội cụ Hồ”. Dự án được triển khai hình thức trực tuyến trong 2 tuần lễ, đã thu hút 100% các em nhi đồng tham gia. Các em hào hứng tìm hiểu về truyền thống anh hùng của quân đội ta trong chiến đấu cũng như nề nếp sinh hoạt đời thường trong thời bình của các chiến sĩ bộ đội Việt Nam qua những thước phim tư liệu quý giá.
Hình 3. Các em Đội viên, nhi đồng được tìm hiểu về lịch sử chiến đấu anh dũng của Quân đội nhân dân Việt Nam
Hình 4. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ trong thời bình với các nề nếp sinh hoạt, rèn luyện, tác phong chuẩn mực
Với lứa tuổi thiếu nhi, các em học tập, noi gương tác phong của anh bộ đội cụ Hồ bằng các việc làm rất giản dị, gần gũi. Sắp xếp góc học tập gọn gàng, ngăn nắp, trang trí thân thiện, sáng tạo cũng là một trong các hoạt động của dự án lần này. Sau 2 tuần triển khai thực hiện, rất nhiều sản phẩm góc học tập thân thiện, sáng tạo đã được gửi về Ban thiếu nhi. Thông qua dự án, các em học sinh nhỏ tuổi đã được giáo dục truyền thống, nhân cách sống, ý thức tổ chức kỷ luật và nề nếp học tập, rèn luyện sức khỏe, ý chí, tìm hiểu về lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng, lòng yêu nước, ý chí bất khuất của quân đội nhân dân và dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là sự thể hiện lòng biết ơn và sự tri ân của thế hệ trẻ đối với lớp lớp anh hùng chiến sỹ đã hy sinh vì nền hòa bình của dân tộc…
Hình 5. Sản phẩm của dự án “Góc học tập em yêu” khối 2
Hình 6. Sản phẩm của dự án “Góc học tập em yêu” khối 2
Để thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất, các em học sinh phải chủ động sử dụng kiến thức từ nhiều môn học khác nhau. Từ vận dụng các kỹ năng làm tính, thống kê và phân tích số liệu trong Toán học, hay kỹ năng soạn thảo, thiết kế powerpoint, cắt dựng clip, … trong môn Tin học, hay kỹ năng đàn, hát, sáng tác… trong các môn nghệ thuật và thậm chí là sự dẻo dai, sức bền, độ chính xác cao trong các môn thể thao vận động… Mỗi hoạt động trải qua là lúc các học sinh tự rèn luyện cho mình thêm nhiều kỹ năng thiết thực như: thuyết trình, lập kế hoạch, hợp tác nhóm, …. Thông qua phương pháp học tập qua dự án, học sinh chủ động thực hiện các hoạt động kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Học sinh chủ động trong học tập, kết nối với nhau qua các các ứng dụng công nghệ thông tin tại nhà. Dự án Khoa học của khối 4 diễn ra trong khoảng thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng chống dịch Covid-9 là một ví dụ của quá trình trao đổi online và ứng dụng công nghệ hiệu quả. Dự án tập trung vào việc lên kế hoạch, tìm tòi tư liệu và xây dựng những video chế tạo thiết bị lọc nước từ những vật dụng dễ tìm, sẵn có. Xét cả về mặt thời lượng, thời điểm và nội dung, dự án đã khai thác triệt để những kỹ năng cần thiết của một học sinh thế kỷ 21 như khả năng tự học, quản lý thời gian, lập kế hoạch, tương tác online, trao đổi làm việc nhóm online, …. Tất cả những kỹ năng đó đã được các bạn học sinh khối 4 thực hiện, làm việc rất nghiêm túc, cẩn thận và phối hợp hiệu quả. Trong đó, cũng cần đề cao vai trò đồng hành của rất nhiều phụ huynh học sinh.
Hình 7. Học sinh được nâng cao năng lực giao tiếp, hợp tác trong quá trình thực hiện các dự án dưới sự hỗ trợ định hướng của giáo viên và sự đồng hành của phụ huynh
Một bài học theo phương thức dự án bao gồm 3 pha (hay là 3 giai đoạn): Xác định dự án học tập – Thực hiện dự án – Tổng kết dự án.
Hình 8. Mô hình hoá các giai đoạn cơ bản của Học tập qua dự án
Giai đoạn 1: Giáo viên và học sinh cùng chọn lọc một đề tài để tìm hiểu. Dựa trên những kiến thức có sẵn, các em chủ động đưa ra ý tưởng và cùng nhau thảo luận để chọn chủ đề cho dự án học tập. Trong quá trình học sinh thảo luận, giáo viên sẽ đánh giá mức đô hiểu biết và sở thích cụ thể của các em. Việc học theo nhóm sẽ phát triển ý thức cộng đồng. Từ “chúng ta” nên được chú ý sử dụng.
Giai đoạn 2: Học sinh nghiên cứu và lên kế hoạch thu thập thông tin và dữ liệu về đề tài này. Tùy thuộc vào đối tượng mà có thể sử dụng các phương pháp khác nhau như cho các em quan sát và khám phá trực tiếp; tham gia các chuyến đi thực tế; phỏng vấn các thành viên gia đình và chuyên gia; chụp ảnh và quay video; đến thư viện. Trong giai đoạn này học sinh có thể làm việc cá nhân và theo nhóm nhỏ. Các em ghi nhận và trình bày lại những gì chúng tìm hiểu được qua nhiều kỹ năng và phương tiện khác nhau như vẽ, viết, thuyết trình cho giáo viên, xây dựng các mô hình, đo lường và vẽ đồ thị. Học sinh sẽ làm việc theo nhóm và có sự phân công chuẩn bị cho từng cá nhân.
Giai đoạn 3: Giáo viên và học sinh cùng đúc kết những gì đã học được. Các em sắp xếp các thông tin thu thập được và trình bày lại cho bạn cùng lớp hoặc khác lớp, cho gia đình và những người thân khác. Quá trình này giúp làm rõ và củng cố lại kiến thức các em học được, đồng thời cho phép học sinh và giáo viên đánh giá kết quả thực hiện dự án.
Một số hình ảnh của các dự án học tập đã triển khai