Chủ đề của ngày hội ngụ ý một sự phá cách có trong nội tại của toán học. Số pi là đối tượng chứa nhiều bất ngờ, bí ẩn. Những cái hay, cái đẹp, cái bí ẩn, cái vô lý, cái có lý... hoà quyện trong nhau tạo nên sự hấp dẫn của toán học và dương như cũng tạo nên bản giao hưởng diệu kỳ.
Ngày hội là điểm hẹn của các chuyên gia toán học để cùng thảo luận về các vấn đề thiết thực của lĩnh vực này như thực tiễn giáo dục toán học ở Việt Nam, những thử nghiệm mới trong giảng dạy toán học, nên giúp trẻ tiếp cận toán học như thế nào…
Với các phụ huynh, chương trình là cơ hội để họ có thể trải nghiệm toán học cùng con, đặc biệt là có thể gặp gỡ trực tiếp các nhà toán học đầu ngành như giáo sư Ngô Bảo Châu, giáo sư Hà Huy Khoái, giáo sư Trần Văn Nhung… Đặc biệt, phụ huynh có thể lắng nghe các chia sẻ của chuyên gia về các vấn đề liên quan đến toán học như học toán thế nào, dạy toán cho trẻ bằng cách nào, toán học có thực sự khó. Hàng loạt các câu hỏi đã được các phụ huynh đặt ra với các chuyên gia giáo dục toán học như tiến sỹ Chu Cẩm Thơ, tiến sỹ Trần Nam Dũng…
Bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc lúc 18h ngày 21/8, ngày hội đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh đủ mọi lứa tuổi với những trải nghiệm gần gũi, thú vị với các khu vực: Xưởng trải nghiệm toán học POMath, Xưởng thực nghiệm toán học S3, tham gia Đấu trường toán học NIM…
Những trò chơi được xây dựng phù hợp với nhiều lứa tuổi để các em thoả sức khám phá toán học như trò xếp hình khối, dán giấy thủ công, xâu hạt cho lứa tuổi mầm non, các trò tư duy thuật toán cho học sinh phổ thông và các chương trình toán cao cấp cho sinh viêb thử sức...
Hình : Các em học sinh say sưa khám phá Xưởng trải nghiệm toán học
“Mục đích của chương trình là để mọi người có thể cảm nhận toán học không xa cách mà rất gần gũi với cuộc sống chúng ta. Bên cạnh đó, với chủ đề ‘bản giao hưởng số Pi, một trong những đối tượng toán học bí ẩn cũng tạo sự tò mò trong toán học,” giáo sư Ngô Bảo Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán chia sẻ: "Toán học không dễ nhưng không phải quá xa"
Chiều cùng ngày, trong vòng một tiếng đồng hồ, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã có bài giảng đại chúng liên quan đến lịch sử về định lý cuối cùng của Fermat. Trong phần đầu bài giảng của mình, GS Ngô Bảo Châu đã nêu lịch sử, định nghĩa, quá trình giải phép toán fermat cũng như những ví dụ và tính chất phức tạp của nó trong quá trình giải toán. Được biết phép toán này đã tốn không biết bao nhiêu công sức của các nhà toán học chuyên nghiệp và nghiệp dư. Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu đã đưa bài giảng đến với người nghe rất gần gũi và dễ hiểu.
Hình ảnh: Giáo sư Ngô Bảo Châu có bài giảng đại chúng tại Ngày hội toán học mở
Đến với Ngày hội Toán học mở năm nay, giáo viên trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng đã có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe nhiều tham luận và ý kiến phát biểu của các giáo sư Toán học nổi tiếng trong và ngoài nước; được tham quan và trải nghiệm các mô hình dạy Toán hiện đại. Đây là một hoạt động chuyên môn vô cùng bổ ích. Bên cạnh đó, với chủ đề “bản giao hưởng số Pi” cho thấy, số Pi (π) được phát hiện từ thời Cổ đại, cho tới nay số π, cũng giống như bản thân toán học, vẫn là một đối tượng chứa đựng đầy những bất ngờ và bí ẩn. Những cái hay, cái đẹp, cái bí ẩn, cái vô lý, cái có lý… hòa quyện trong nhau tạo nên sự hấp dẫn của toán học và dường như cũng tạo nên bản giao hưởng diệu kỳ.
( Bài viết chuyên sâu)