Tham dự lớp tập huấn, các giáo viên được biết tổng quan về mô hình trường học mới VNEN. Mô hình EN (ESCUELA NUEVA - NEW SCHOOL) - Mô hình trường học mới được UNICEP, UNESCO... đánh giá cao, thực hiện thành công ở các nước đang phát triển.
Mô hình trường học mới VNEN được điều chỉnh từ chương trình 2000 với những nguyên tắc như: Giữ nguyên chương trình các môn học - Giữ nguyên mục tiêu môn học, bài học - Giữ nguyên nội dung sách giáo khoa, sách giáo viên, vở bài tập của học sinh - Thay đổi cấu trúc bài học phù hợp mô hình dạy học VNEN - Tăng cường khả năng tự học của học sinh - Sử dụng và kết hợp các phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm. Đa dạng hóa các hoạt động, hình thức dạy và học - Đổi mới cách đánh giá: kết hợp đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh. Khuyến khích và tăng cường tự đánh giá của HS.
Ngoài ra các giáo viên hiểu:
QUY TRÌNH 5 BƯỚC DẠY HỌC THEO MÔ HÌNH VNEN
Bước 1: Tạo hứng thú cho học sinh:
Bước 2: Tổ chức cho học sinh trải nghiệm.
Bước 3: Phân tích - Khám phá - Rút ra kiến thức mới.
Bước 4: Thực hành - củng cố bài học.
Bước 5: Ứng dụng.
Và 10 bước học tập của học sinh đó là:
1. Chúng em làm việc nhóm (nhóm trưởng lấy tài liệu và đồ dùng)
2. Em đọc tên bài học và viết vào vở
3. Em đọc mục tiêu bài học.
4. Em thực hiện hoạt động cơ bản (nhớ xem làm việc cá nhân hay theo nhóm theo lôgô trong tài liệu).
5. Kết thúc hoạt động cơ bản, em tự đánh giá rồi báo cáo những việc đã làm được với thầy, cô giáo để thầy, cô xác nhận
6. Em thực hiện hoạt động thực hành (Làm việc cá nhân rồi chia sẻ với bạn kề bên, với cả nhóm)
7. Chúng em đánh giá cùng thầy, cô giáo.
8. Em thực hiện Hoạt động ứng dụng (với sự giúp đỡ của gia đình, người lớn )
9. Kết thúc bài, em viết vào Bảng đánh giá.
10. Em đã học xong bài mới em phải ôn lại phần nào?
Trong nội dung lớp tập huấn, giáo viên còn được tiếp cận với lí thuyết về điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học theo hướng phát triển năng lực học sinh phù hợp với cách đánh giá theo Thông tư 22. Cụ thế: Chất lượng dạy học phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài liệu dạy học. Mặt khác, tài liệu chỉ có thể nêu ra một phương án cụ thể về kế hoạch bài học cho học sinh và giáo viên. Vì thế, nó không thể thích ứng cho mọi vùng miền và mọi đối tượng học sinh, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của trường chất lượng cao. Tổ chức cho giáo viên điều chỉnh tài liệu VNEN vừa làm cho chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục tốt lên, vừa nâng cao năng lực nghiên cứu sư phạm, ý thức chủ động, sáng tạo của mỗi giáo viên - người trực tiếp sử dụng tài liệu. Trong đó cần đảm bảo các nguyên tắc như: yêu cầu về chuẩn kiến thức và kĩ năng; phù hợp với học sinh; phù hợp với năng lực của giáo viên và các điều kiện của địa phương; phù hợp nguyên tắc, cấu trúc tài liệu theo mô hình VNEN. Như vậy, các hướng dẫn của giáo viên sẽ phù hợp với môi trường và nhu cầu của học sinh, quá trình giáo dục sẽ cuốn hút học sinh tham gia một cách tích cực hơn.
Một số điều chỉnh và cách thức triển khai các điều chỉnh cụ thể như sau:
Điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học: Tăng/giảm thời lượng cho mỗi hoạt động học tập; điều chỉnh yêu cầu (lệnh) của hoạt động; thay đổi, điều chỉnh ngữ liệu; thêm mẫu thực hiện, thêm gợi ý; thêm nội dung phân tích mẫu; thay đổi đồ dùng dạy học; điều chỉnh hình thức lưu giữ kết quả hoạt động; điều chỉnh hoạt động để thực hiện phân hóa cao hơn; sáng tạo các bài tập ứng dụng.
Dưới đây là một vài cách thức để giảm độ khó của hoạt động (dành cho học sinh dưới chuẩn) và tăng độ thú vị (dành cho học sinh khá, giỏi).
- Giảm độ khó bằng cách: Bổ sung phần lệnh để có điều kiện chỉ dẫn thêm cách làm bài; bổ sung vào phần dẫn để giúp học sinh dễ dàng tìm ý; thay phần ngữ liệu cho gần gũi với học sinh; thay thế ngữ liệu bằng ngữ liệu tường minh đơn giản hơn.
- Tăng độ thú vị bằng cách: Tác động vào phần lệnh, thay đổi vai nói, vai tiếp nhận tạo điều kiện cho học sinh sáng tạo; xây dựng ngữ liệu tạo điều kiện cho học sinh phát huy trí tưởng tượng và sáng tạo. Thêm yêu cầu của phần lệnh hoặc điều chỉnh yêu cẩu của phần lệnh thú vị hơn.
Điều chỉnh hình thức tổ chức dạy học: Điều chỉnh thành viên nhóm, biên chế lại nhóm: Các thành viên trong nhóm không phải được tạo ra một lần và không thay đổi. Tùy thuộc vào trình độ học sinh, những thuận lợi và khó khăn của mỗi em trong học tập, giáo viên sẽ điều chỉnh thành viên nhóm, phiên chế lại nhóm.
- Thay đổi tương tác thầy - trò, trò - trò: Có hoạt động trong tài liệu học làm việc cá nhân nhưng giáo viên tự thấy học sinh lớp mình còn yếu về kĩ năng này, làm việc cá nhân sẽ khó kiểm soát và chưa hiệu quả thì có thể thay đổi bằng cặp đôi hoặc nhóm lớn. Giáo viên có thể làm việc với từng nhóm, từng học sinh nếu thấy cần thiết.
- Thay đổi vai của từng thành viên trong nhóm: Nhiệm vụ giao cho mỗi thành viên cần được luân phiên thay đổi để mỗi học sinh có cơ hội trải nghiệm.
Ngoài việc điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học, giáo viên tham gia buổi tập huấn còn được tiếp cận với định hướng áp dụng VNEN có khai thác CNTT, phù hợp với điều kiện của trường hiện đại. Đó là việc sử dụng bảng tương tác thông minh, khai thác các phần mềm hỗ trợ soạn giảng và dạy học, phần mềm hoặc ứng dụng giúp việc quản lí học sinh hiệu quả.
Tại buổi tập huấn, các giáo viên cũng được học theo mô hình trường học mới VNEN, được thực hành soạn giảng và trình bày một số môn học để các báo cáo viên cũng như các đồng chí trong lớp học rút kinh nghiệm áp dụng vào công tác giảng dạy được tốt hơn …
Hình ảnh: Giáo viên thảo luận xây dựng tiết học theo mô hình
Lớp bồi dưỡng chuyên môn về mô hình VNEN kết thúc thành công tốt đẹp. Các thầy cô giáo trẻ đã thu nạp được một số kiến thức về mô hình trường học mới VNEN.
Hình ảnh: Thảo luận nhóm sôi nổi
Một năm học mới sắp bắt đầu chúng ta có thể tin tưởng rằng với mô hình trường học mới này, chất lượng giảng dạy của nhà trường sẽ ngày càng khởi sắc.