Ngày 25/9, Cán bộ quản lí, giáo viên giảng dạy khối 2 của nhà trường đã tham gia khoá tập huấn nâng cao năng lực dạy học Toán phát triển năng lực, phẩm chất học sinh với hình thức trực tuyến. Khoá bồi dưỡng nằm trong chùm chuyên đề tập huấn chuyên môn do Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Long Biên tổ chức.
Hình ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Hằng – Phó trưởng phòng GD&ĐT Quận Long Biên
Hình ảnh: Đồng chí Ngô Quốc Anh – Chuyên viên phòng GD&ĐT Quận Long Biên
Hình ảnh: Các đ/c CBGV tham gia tập huấn
Chương trình tổng thể Ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 nêu rõ “Giáo dục toán học hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực toán học với các thành tố cốt lõi: năng lực tư duy và lập luận toán học, năng lực mô hình học toán học, năng lực giải quyết vấn đề toán học, năng lực giao tiếp toán học, năng lực sử dụng các công cụ và phương tiện học toán; phát triển kiến thức, kĩ năng then chốt và tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào đời sống thực tiễn, giáo dục toán học tạo dựng sự kết nối giữa các ý tưởng toán học, giữa toán học với các môn học khác và giữa toán học với đời sống thực tiễn’’.
Năm học 2021- 2022, chương trình 2018 triển khai với lớp 2. Để giúp CBQL và GV các nhà trường tháo gỡ những khó khăn, định hướng cụ thể cho việc dạy học môn Toán phát triển năng lực phẩm chất học sinh, ngày 25/9, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức khoá tập huấn nâng cao năng lực dạy học Toán phát triển năng lực, phẩm chất học sinh cho 100% cán bộ quản lí và giáo viên lớp 2 toàn Quận với hình thức trực tuyến. Báo cáo viên là tiến sĩ Hoàng Mai Lê - Chuyên viên chính Vụ Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo và Th.sĩ Mai Bá Bắc- Chuyên viên phòng Giáo dục phổ thông- Sở GDĐT Hà Nội.
Hình ảnh: TS.Hoàng Mai Lê - Chuyên viên chính Vụ Tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trong chuyên đề tập huấn, Tiến sĩ Hoàng Mai Lê đã có những chia sẻ bổ ích về phương pháp dạy học Toán, đánh giá kết quả giáo dục môn Toán, xây dựng bài học Toán theo chủ đề. Về phương pháp dạy học Toán, giáo viên cần thực hiện dạy học phù hợp với tiến trình nhận thức của học sinh (đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ đến khó); quán triệt tinh thần “lấy người học làm trung tâm”, chú ý nhu cầu, năng lực nhận thức, cách thức học tập khác nhau của từng cá nhân học sinh; tổ chức quá trình dạy học theo hướng kiến tạo, trong đó học sinh được tham gia tìm tòi, phát hiện, suy luận giải quyết vấn đề; linh hoạt trong việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực, kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo với việc vận dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học truyền thống; kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động thực hành trải nghiệm, vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn. Qua những ví dụ cụ thể, với lối truyền thụ lôi cuốn, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn, giáo viên khối 2 tham gia tập huấn được báo cáo viên hướng dẫn cụ thể.
Trong bài giảng, tiến sĩ Hoàng Mai Lê chỉ rõ: Mục tiêu đánh giá là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về sự phát triển năng lực và sự tiến bộ của học sinh trên cơ sở yêu cầu cần đạt ở mỗi lớp học để điều chỉnh các hoạt động dạy học, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục môn Toán nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung. Việc đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, kết hợp với đánh giá của giáo viên các môn học khác, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp hoặc đánh giá của cha mẹ học sinh, đi liền với tiến trình hoạt động học tập của học sinh, bảo đảm mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ trong học tập của học sinh. Việc đánh giá định kì là đánh giá kết quả giáo dục sau một giai đoạn học tập. Kết quả đánh giá định kì được sử dụng để chứng nhận cấp độ học tập, công nhận thành tích cho người học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Khuyến khích vận dụng kết hợp nhiều phương pháp đánh giá (quan sát, ghi lại quá trình thực hiện, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan, tự luận, kiểm tra viết, bài tập thực hành, các dự án học tập, thực hiện nhiệm vụ thực tiễn,...); đồng thời hướng dẫn giáo viên lựa chọn các phương pháp, công cụ đánh giá phù hợp với từng thành phần năng lực toán học.
Để “phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của người học”, “bồi dưỡng PP tự học, hứng thú học tập, kĩ năng hợp tác, làm việc nhóm và khả năng tư duy độc lập”, có thể góp phần “phát triển toàn diện NL và PC” của HS tiểu học, định hướng dạy học toán ở tiểu học cần vận dụng một cách đa dạng các hình thức tổ chức với các phương pháp dạy học; chú trọng thực hành, ứng dụng, gắn kết kiến thức toán học với thực tế cuộc sống hằng ngày của các em, với các môn học khác và các hoạt động giáo dục trong hay ngoài nhà trường; chú trọng tổ chức hoạt động tự học (cá nhân, cặp, nhóm, cả lớp, ở nhà…) cho HS (với sự hướng dẫn, giám sát, đánh giá của GV, cha mẹ HS); GV cần đặc biệt chú ý, quan tâm đến việc dạy học phù hợp từng đối tượng HS; kết hợp việc giúp các em tự lĩnh hội được kiến thức toán học (thông qua hoạt động học) với việc hình thành, phát triển NL, PC của HS. GV cần chuyển quá trình thuyết giảng thành quá trình tổ chức hoạt động học cho HS, có thể thông qua các hoạt động: Gợi động cơ, tạo hứng thú; Trải nghiệm, khám phá; Phân tích, rút ra bài học; Thực hành; Ứng dụng. Qua quá trình thực hiện các hoạt động học toán (cá nhân, cặp, nhóm, cả lớp, ở nhà…), ngoài việc HS hình thành và phát triển NL tư duy, năng lực tính toán thì HS cũng có thể phát triển một số NLPC như tự học, hợp tác, giải quyết vấn đề.
Để góp phần “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất” của HS tiểu học, trong quá trình dạy học Toán, GV cần phải tổ chức cho HS hoạt động học (theo cá nhân, cặp đôi, nhóm hay cả lớp) cùng với hoạt động tự nhận xét và nhận xét sản phẩm của bạn hay nhóm bạn, qua đó HS có thể tự chiếm lĩnh nội dung kiến thức, rèn kĩ năng cần thiết.Khi HS thực hiện hoạt động học thì GV thực hiện các hoạt động ĐG (quan sát, tư vấn, hướng dẫn HS, nhận xét…). Để có thể tổ chức cho HS hoạt động học được hiệu quả, GV cần phải xác định rõ mục tiêu hay yêu cầu cần đạt và nội dung bài học, từ đó thiết kế thành các hoạt động học và hoạt động đánh giá (nhận xét, tự nhận xét…) để HS thực hiện. GV tổ chức hoạt động dạy học Toán cùng với hoạt động ĐG để góp phần hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất HS.
Với trách nhiệm của mình, cùng với năng lực sẵn có và sự tâm huyết nghề nghiệp, yêu thương HS, việc đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và đánh giá HS trong dạy học môn Toán ở tiểu học, Tiểu học Đô thị Sài Đồng tin tưởng vào việc thực hiện thành công chương trình môn Toán, góp phần giúp HS tiến bộ trong học tập môn Toán, nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học.
Một số hình ảnh của buổi tập huấn