Có thể nói, trong đời sống xã hội, hạnh phúc là đích đến của mỗi người và con người dù ở giai đoạn lịch sử nào cũng luôn đi tìm hạnh phúc, đều ước muốn mình được hạnh phúc. Chính vì vậy, mà các quốc gia đang chung tay thực hiện mục tiêu hạnh phúc, nhằm tạo nên sự hài hòa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, để đảm bảo con người có một tương lai bền vững. Việc Liên Hợp Quốc công nhận "Ngày Quốc tế Hạnh phúc" (ngày 20 tháng 3) chính là bước đi cụ thể để các quốc gia có thể sống thân ái, hòa bình với nhau, tạo dựng một thế giới hạnh phúc.
Vun đắp tổ ấm gia đình, tham gia thực hiện chức năng của gia đình, tạo ra sự liên kết giữa “Gia đình - nhà trường và xã hội” để hướng đến một xã hội vững mạnh.
Bức tranh gia đình Việt Nam
Chúng ta đều ý thức được rằng gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, được hình thành, duy trì và củng cố chủ yếu dựa trên cơ sở hôn nhân. Mỗi gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động tạo ra sự biến đổi và phát triển.
Đời sống xã hội ngày một phát triển không ngừng, trước sự tác động của nhiều yếu tố bên trong cũng như bên ngoài đã đặt ra nhiều thách thức cho cuộc sống con người nói chung, gia đình Việt Nam nói riêng. Nhưng với đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, trên lĩnh vực hôn nhân và gia đình; nước ta đã có nhiều tiến bộ tích cực.
Trong đó ý thức xây dựng gia đình được nâng cao, các chức năng gia đình từng bước thực hiện đầy đủ; lợi ích gia đình dần được đảm bảo. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế gia đình từng bước được phát triển, đời sống vật chất và tinh thần gia đình được cải thiện rõ rệt.
Các mối quan hệ trong gia đình ngày càng được tôn trọng, bình đẳng và dân chủ. Quyền trẻ em, quyền tự do và bình đẳng trong hôn nhân của các thành viên được khẳng định và tôn trọng. Hơn nữa, hầu hết các cặp vợ chồng hiện nay đã thực hiện việc sinh đẻ có kế hoạch chỉ một đến hai con, tạo cơ hội chăm sóc và nuôi dạy con tốt hơn...
“Yêu thương và chia sẻ” để có một xã hội tốt
Trong cuộc họp báo công bố “Ngày Quốc tế Hạnh phúc” lần đầu tiên ở Việt Nam, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Hãy yêu thương và chia sẻ trong gia đình, trong dòng tộc, trong mỗi cộng đồng dù lớn hay nhỏ để góp phần đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng...”. Đó cũng chính là điều mà tất cả mọi người dân ở nước ta cần hướng tới để xây dựng một xã hội bền vững, phát triển thịnh vượng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”. Lời khẳng định đó một lần nữa nhấn mạnh đến quan hệ mật thiết giữa gia đình và xã hội, gia đình và nhà trường trong việc xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người học. Nhà trường, gia đình cũng chính là một xã hội thu nhỏ. Trong xã hội đó, mối quan hệ giữa thầy- trò, thầy- thầy, trò- trò hài hoà, mật thiết thì sẽ có một xã hội học tập tốt. Mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình tốt thì môi trường xã hội học tập tại gia đình lại càng được nâng cao. Từ đó, đóng góp vào việc xâydựng một xã hội lớn lành mạnh, ổn định để phát triển.