Tại sao trẻ em dễ bị hóc dị vật?
Với bản tính tò mò, trẻ em dưới 5 tuổi thường thích bốc mọi thứ xung quanh lên và bỏ chúng vào miệng rồi nuốt luôn theo quán tính. Khi ấy, miếng xếp hình đồ chơi, đất đá, dây thun, nút áo, tóc… sẽ là những thứ có nguy cơ trở thành dị vật gây cản đường thở. Vật càng cứng, dai, càng sắc cạnh thì càng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, trẻ còn có thể bị hóc dị vật trong quá trình ăn, uống. Khi ăn, uống nhanh hoặc vừa ăn vừa nô đùa, trẻ có xu hướng không nhai mà nuốt vội, dẫn đến hóc thức ăn, sặc nước. Các loại thức ăn nhỏ, trơn như nhãn, kẹo, hạt đậu, xương cá, rau câu… là những dị vật thường gặp nhất trong trường hợp này.
Ngoài ra, cha mẹ lơ là, không chú ý đến trẻ cũng góp phần làm tăng khả năng trẻ bị hóc dị vật.
Biểu hiện
Khi trẻ bị hóc dị vật, sẽ có biểu hiện của “hội chứng xâm nhập”. Dấu hiệu nhận biết đó là:
- Trẻ đột ngột ho sặc sụa (phản xạ tự nhiên của cơ thể để tống dị vật ra ngoài)
- Toát mồ hôi
- Mặt tím tái
- Khò khè
- Khàn tiếng
- Đồng thời nôn ọe
- Thở chậm
- Trường hợp nặng, dị vật chắn toàn bộ đường thở, đặc biệt là thanh quản, trẻ có thể ngưng thở ngay lập tức, sau đó là hôn mê và tử vong nếu không được sơ cấp cứu kịp thời.
Phần lớn “hội chứng xâm nhập” chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn vì sau đó, dị vật sẽ di chuyển sang khu vực khác trong cơ thể và bị vướng lại đây. Nếu không được chẩn đoán và lấy ra ngoài nhanh chóng, sau một thời gian dị vật mắc kẹt có thể sẽ gây biến chứng như viêm phế quản, áp xe phổi,… Các dấu hiệu nhận biết lúc này sẽ trầm trọng hơn, đó là sốt cao, ho khan, ho có đờm và mủ…Tùy thuộc vào vị trí dị vật kẹt lại, tính chất dị vật mà trẻ sẽ có biểu hiện, triệu chứng khác nhau.
Cách sơ cứu hóc dị vật đúng cách cho trẻ
Lưu ý: Gia đình cần chú ý quan sát trẻ mọi lúc vì trẻ có thể đã nuốt phải dị vật mà người lớn không hay biết. Khi thấy trẻ có dấu hiệu của “hội chứng xâm nhập”, dù có nhìn thấy dị vật hay không thì cũng không nên đưa tay vào họng trẻ cố gắng móc dị vật ra.
Nếu trẻ vẫn có thể ho, nói chuyện thì không nên áp dụng các cách dưới đây, tránh dị vật di chuyển ngược lên. Hãy xem xét tình hình để xử trí thích hợp.
Đối với trẻ nhỏ, trẻ dưới 4 tuổi:
Trường hợp bị hóc dị vật dễ di chuyển như kẹo, hạt trái cây,…
có thể áp dụng phương pháp vỗ lưng ấn ngực (thủ thuật Heimlich).
Bước 1: Kiểm tra xem trẻ có thở, ho được hay không
- Nếu trẻ không thở được, ngực không phập phồng, tím tái, bất tỉnh, hãy gọi cấp cứu.
- Đồng thời loại bỏ các vật gây nghẹt trong miệng bằng cách lấy hết các đờm, dãi, thức ăn thừa, đất cát,… nhìn thấy được ra khỏi miệng.
Bước 2: Vỗ lưng
- Đặt trẻ nằm sấp trên một cánh tay, lấy lòng bàn tay đó đỡ đầu và cổ trẻ sao cho đầu trẻ chúi xuống hơi thấp hơn ngực trẻ. Có thể đặt thân trẻ nằm lên đùi bạn nếu trẻ quá nặng.
- Dùng gót bàn tay còn lại vỗ mạnh vào lưng trẻ 5 cái (khoảng giữa hai bả vai trẻ).
- Kiểm tra xem dị vật đã ra ngoài chưa. Nếu vẫn chưa thấy dị vật rơi ra ngoài, chuyển sang thao tác ấn ngực.
Bước 3: Ấn ngực
- Đặt trẻ nằm ngửa trên hai đùi bạn sao cho đầu trẻ thấp hơn chân trẻ. Một tay đỡ đầu trẻ, tay còn lại lấy 3 ngón giữa chụm vào và đặt lên giữa ngực trẻ (vùng xương ức dưới núm vú).
- Sau khi đặt tay đúng vị trí trên ngực trẻ, hãy dùng chúng ấn và đẩy lên 5 lần liên tiếp thật mạnh.
Bước 4: Kiểm tra lại
- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, lặp lại thao tác vỗ lưng. Luân phiên ấn ngực và vỗ lưng đến khi dị vật thoát ra khỏi đường thở của trẻ hoặc nhận được sự hỗ trợ từ bệnh viện.
- Trường hợp bị hóc dị vật có kích thước lớn, sắc cạnh, cần liên hệ bệnh viện hoặc nơi cấp cứu gần nhất ngay lập tức.
- Đồng thời thực hiện thủ thuật Heimlich ở trên.
Đối với trẻ lớn:
=> Trẻ còn tỉnh:
- Đứng hoặc ngồi sau lưng trẻ, dùng hai tay ôm vòng lên trước bụng trẻ. Nắm chặt một bàn tay lại rồi đặt lên phần giữa rốn và xương ức, đặt bàn tay kia lên tay đang nắm.
- Dùng tay ấn 5 – 10 cái thật dứt khoát, liên tiếp từ dưới lên trên, mục đích là để cơ hoành tống khí ra ngoài phổi. Lặp lại đến khi dị vật rơi ra ngoài.
=> Trẻ bất tỉnh:
- Đặt trẻ nằm ngửa dưới nơi phẳng rồi quỳ trên người trẻ, hai chân dạng ra hai bên cạnh đùi trẻ.
- Đặt gót một bàn tay lên phần giữa rốn và xương ức trẻ, chồng tay kia lên tay này.
- Ấn 5 – 10 cái mạnh và nhanh liên tiếp từ dưới lên trên. Lặp lại đến khi vật rơi ra ngoài.
Những điều cần tránh để trẻ không bị hóc dị vật
- Luôn để ý, quan sát trẻ, tránh để trẻ ở một mình.
- Nếu trẻ còn nhỏ, ngăn trẻ vừa ăn vừa giỡn, đừng cho trẻ ăn những món nhỏ, trơn, dễ hóc.
- Không để vật dụng lung tung, nhất là các vật nhỏ, nhọn.
Kết luận:
Hãy chú ý đến trẻ nhỏ, đặc biệt là những bé hiếu động, thích khám phá xung quanh. Và hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể sơ cấp cứu hóc dị vật cho trẻ đúng cách và an toàn bạn nhé.
Một số hình ảnh tập huấn sơ cấp cứu hóc dị vật cho học sinh:
Hình ảnh: Bước 1- Kiểm tra đường thở
Hình ảnh: Bước 2- Vỗ lưng
Hình ảnh: Bước 3- Ấn ngực
Hình ảnh: Bước 4- Kiểm tra lại