Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, công nghệ thông tin nói chung, internet và các trang mạng xã hội (MXH) nói riêng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội và sinh hoạt của con người. Mạng xã hội là một trang web hay nền tảng trực tuyến với nhiều hình thức, tính năng, giúp mọi người dễ dàng kết nối với nhau ở bất cứ nơi nào. Được biết, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT): Ở Việt Nam hiện ước tính có khoảng 65 triệu người dùng mạng xã hội (MXH), chiếm gần 70% dân số. Facebook, Google, Youtube, Zalo, Viber là các MXH và công cụ tìm kiếm được nhiều người Việt Nam sử dụng hiện nay. Thời gian sử dụng MXH bằng nhiều hình thức của người Việt Nam là khoảng 7 giờ/ngày. Môi trường mạng mang đến cho học sinh nhiều lợi ích về học tập, giải trí, nhưng việc dành nhiều thời gian trên các nền tảng ảo khiến các em phải đối mặt với không ít rủi ro. Giáo dục cho học sinh kỹ năng sống, kỹ năng sử dụng MXH hiệu quả sẽ giúp các em tránh được mặt trái của việc sử dụng MXH.
Nắm bắt được yêu cầu đó, sáng ngày 22/11/2021, Liên đội trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng tổ chức buổi Toạ đàm chủ đề “Sử dụng an toàn mạng xã hội” cho đối tượng học sinh khối 4, 5 bằng hình thức trực tuyến với các nội dung phù hợp.
Hình ảnh 1: Toạ đàm chủ đề “Sử dụng an toàn mạng xã hội”
Tại buổi toạ đàm, dưới sự dẫn dắt của giáo viên phụ trách chi đội, các đội viên và nhi đồng khối 4, 5 đã có buổi thảo luận sôi nổi với những câu hỏi phù hợp xung quanh chủ đề “MXH- lợi ích và rủi ro”. Đã có rất nhiều ý kiến cá nhân được trao đổi cởi mở trong buổi toạ đàm, từ đó, mỗi đội viên, nhi đồng đã được bày tỏ quan điểm và nhận thức được thực trạng việc sử dụng, lợi ích và rủi ro mà MXH đem lại.
Hình ảnh 2: “Sử dụng mạng xã hội thế nào cho an toàn?” là câu hỏi được thảo luận sôi nổi trong suốt buổi toạ đàm
Mạng xã hội hoạt động trên nền tảng Internet. Các mạng xã hội mặc dù có tên gọi, một số tính năng hoạt động, cách sử dụng khác nhau nhưng có chung những đặc điểm như sau:
- Người dùng phải tạo hồ sơ, có tài khoản riêng.
- Nhiều người dùng liên kết với nhau thông qua tên gọi, địa chỉ email, nickname… Các mạng xã hội sẽ kết nối tài khoản người dùng đến các tài khoản cá nhân, tổ chức…
- Nội dung đăng tải, chia sẻ ở các mạng xã hội là do người dùng tự quyết định về hình ảnh, câu từ…
Một số mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam như Facebook, Instagram, Youtube, zalo....
Hình ảnh 3: Học sinh trao đổi với các câu hỏi mở đầu
Mạng xã hội tạo ra một hệ thống cho phép người dùng có thể giao lưu với nhau, hoặc có sự kết nối, chia sẻ thông tin hữu ích trên nền tảng Internet trong thời đại công nghệ số, nhưng nếu để mạng xã hội chi phối quá nhiều vào cuộc sống, không kiểm soát được cũng để lại những hậu quả khôn lường. Để giúp các em hiểu rõ hơn về những rủi ro khi thiếu kĩ năng sử dụng MXH, Ban thiếu nhi nhà trường đã xây dựng video tình huống thực tế cho các bạn học sinh trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng cùng xem và suy ngẫm.
Hình ảnh 4: Thông qua video tình huống, các em học sinh hiểu rõ hơn về những rủi ro khi thiếu kĩ năng sử dụng MXH
Từ câu chuyện phổ biến được chia sẻ trong video tình huống, các em học sinh được bày tỏ ý kiến của mình qua những câu hỏi xoay quanh việc phân tích tình huống đó. Hình thức toạ đàm trên công cụ Padlet đã phát huy tác dụng đáng kể. Các em được nói lên suy nghĩ và những phân tích của mình với tình huống cụ thể liên quan đến việc sử dụng mạng xã hội.
Hình ảnh 5: 100% học sinh khối 4, 5 được chia sẻ trực tuyến, tạo ra bầu không khí cởi mở, lôi cuốn.
Qua buổi toạ đàm, các em đã nắm được một số kĩ năng cần thiết cho việc sử dụng hiệu quả và an toàn mạng xã hội như:
Bảo mật thông tin cá nhân
Những thông tin như tên thật, tuổi, trường lớp, địa chỉ nhà, ảnh cá nhân hay các loại mật khẩu là những thông tin cá nhân, cần được bảo mật, không nên chia sẻ những thông tin này trên mạng, bảo mật tài khoản 2 lớp để tránh bị lấy cắp tài khoản phục vụ cho những mục đích xấu. Những bài đăng trên mạng cũng nên giới hạn người xem là bạn bè, để tránh sự nhòm ngó từ người lạ.
Suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ bất cứ điều gì
Mạng xã hội vẫn luôn là con dao hai lưỡi, vì vậy trước khi bình luận, chia sẻ hay đăng tải bất cứ thông tin gì, các em cần phải tìm hiểu và suy nghĩ kỹ. Vì những bài đăng trên mạng sẽ có nhiều người xem, có thể các em sẽ bị người khác soi mói, đánh giá, bình luận tiêu cực khiến bản thân thấy buồn hay lo sợ.
Bên cạnh đó, thông tin được đăng tải trên mạng xã hội không phải lúc nào cũng đúng. Có rất nhiều tin sai sự thật, tin kích động, bịa đặt,… được lan truyền trên mạng. Nếu không tìm hiểu kỹ thì các em có thể chia sẻ, tin tưởng vào các nguồn tin sai trái, ảnh hưởng đến nhận thức, tiếp tay cho kẻ xấu lan truyền tin giả.
Các em có thể nhờ sự giúp đỡ từ bố mẹ để xem thông tin mình định chia sẻ có đúng sự thật không, có phù hợp để chia sẻ không.
Ứng xử văn minh trên mạng
Nhiều em nghĩ rằng mạng xã hội là ảo, mình có làm gì thì cũng không ảnh hưởng đến bản thân và người khác. Tuy nhiên, mạng cũng là một xã hội thu nhỏ, tất cả những điều em làm trên mạng đều có thể ảnh hưởng đến bản thân và mọi người.
Khi nhìn thấy nội dung bạo lực, em có bình luận cổ vũ không? Nhìn thấy điều không thích, em có để lại những bình luận chê bai, chỉ trích nặng nề? Gặp một chủ đề gây tranh cãi, em có bất chấp tất cả để bảo vệ ý kiến của mình? Hay khi buồn bực, em có trút giận lên những người mình thấy trên mạng xã hội không? Tất cả những hành động không suy nghĩ đều có thể làm người bị chỉ trích thấy buồn và mặc cảm. Nghiêm trọng hơn, nhiều từ ngữ quá khích có thể khiến người khác tổn thương tinh thần, dẫn đến trầm cảm, thậm chí là tự tử.
Vì vậy hãy sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, không hùa theo cộng đồng mạng để chửi rủa, miệt thị người khác. Nếu có điều gì buồn bực hay bất đồng quan điểm với bạn bè, người thân, em hãy chọn cách nói chuyện trực tiếp để cùng nhau đưa ra cách giải quyết phù hợp. Mạng xã hội là ảo nhưng nỗi đau là thật, đừng để một dòng chữ trong lúc không suy nghĩ làm ảnh hưởng đến cuộc đời của một con người.
Nhận biết các dạng lừa đảo qua mạng
Hiện này có rất nhiều dạng lừa đảo qua mạng. Kẻ xấu có thể tạo một tài khoản ảo, kết bạn và trò chuyện với em để lấy lòng tin sau đó dò hỏi những thông tin của em và gia đình. Chúng có thể đóng vai một người bạn, muốn em cung cấp thông tin để gửi quà. Tuy nhiên các em luôn nhớ nguyên tắc “không chia sẻ thông tin cá nhân”, đặc biệt là chia sẻ trên mạng xã hội để không trở thành nạn nhân của lừa đảo. Bên cạnh đó, em cũng cần cẩn thận với các trò chơi trúng thưởng, không nên nhấn vào đường link lạ để tránh bị mất tài khoản hay bị đánh cắp thông tin.
Nếu có người yêu cầu các em gửi ảnh cá nhân, đặc biệt là ảnh nhạy cảm, hãy từ chối ngay và nói với bố mẹ. Đây cũng là một dạng lạm dụng cần được đề phòng và tránh xa.
Với những nội dung phù hợp, buổi toạ đàm chủ đề “Sử dụng mạng xã hội an toàn” do Ban thiếu nhi Liên đội Tiểu học Đô thị Sài Đồng tổ chức đã mang lại không gian chia sẻ bổ ích, thiết thực, cung cấp cho đội viên, nhi đồng khối 4, 5 những kiến thức và kĩ năng cần thiết.
Một số hình ảnh của buổi tọa đàm: