Tả là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây thành dịch lớn, tỷ lệ tử vong cao
Tác nhân gây bệnh tả là do một loại vi khuẩn có tên là Vibrio Cholerae, ổ chứa vi khuẩn tả quan trọng nhất là người bệnh bao gồm cả người mắc bệnh điển hình, các thể bệnh nhẹ và người mang mầm bệnh không có triệu chứng (còn gọi là người lành mang trùng).
Bệnh tả lây theo đường tiêu hoá, chủ yếu qua đường ăn uống. Vi khuẩn tả xâm nhập vào đường tiêu hoá chủ yếu từ hai nguồn chính là thức ăn, nước uống có nhiễm vi khuẩn tả và thức ăn có nguồn gốc thuỷ hải sản vùng cửa sông,ven biển có chứa các thể tiềm sinh lâu dài của vi khuẩn tả. Vi khuẩn tả có thể tồn tại lâu dài, thậm chí vĩnh viễn ở các vùng nước lợ, vùng cửa sông hay ven biển có độ PH trung tính hoặc kiềm nhẹ. Vi khuẩn tả sống tập trung ở các loài thực vật phù du như: Tảo; các loại động vật giáp xác như : Tôm, cua, nghêu, sò… đây là ổ chứa thiên nhiên của vi khuẩn tả ngoài ổ chứa quan trọng là người, mà một số vùng có thói quen ăn hải sản sống thì rất dễ bị nhiễm bệnh.
Bệnh tả lây mạnh nhất ở giai đoạn toàn phát, thời gian thải vi khuẩn thường kéo dài sau khi hết tiêu chảy cấp. Sau vụ dịch tả có một tỷ lệ nhỏ khoảng 3-5% số bệnh nhân có thể mang vi khuẩn tả kéo dài một vài tháng, có thể hàng năm nếu không được điều trị đúng quy trình.
Các yếu tố lây truyền vi khuẩn tả là nước, thực phẩm sống, thực phẩm đã qua chế biến, bàn tay, dụng cụ ăn, uống, đồ dùng cá nhân và ruồi nhặng bị nhiễm vi khuẩn tả. Yếu tố làm tăng khả năng lan truyền bệnh tả là mật độ dân cư đông đúc, đời sống kinh tế, xã hội, dân trí thấp, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo, nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, thiếu nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn, thực hành vệ sinh cá nhân kém, những vùng bị lũ lụt và sau lũ lụt.
Mọi chủng tộc, mọi cá thể đều có thể bị nhiễm vi khuẩn tả và mắc bệnh tả. Sau khi mắc bệnh tả hoặc nhiễm khuẩn tả không có triệu chứng, có thể có miễn dịch đặc hiệu với vi khuẩn tả, nhưng miễn dịch không được bền vững chỉ kéo dài khoảng từ 6 tháng đến 3 năm. Không có miễn dịch chéo giữa các tuýp huyết thanh của vi khuẩn tả.
Nhóm người có nguy cơ cao là những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân tả (ăn, uống, sinh hoạt) và dân cư trong các vùng có tập quán ăn, uống không hợp vệ sinh, sử dụng thức ăn đường phố, ăn hải sản chưa chín, uống nước chưa được đun sôi, chưa qua khử trùng, dùng phân tươi trong trồng trọt mà không xử lý phân đúng quy trình, khu vực sau lũ lụt.
* Bệnh tả thường diễn biến qua các thời kỳ:
- Thời kỳ ủ bệnh: Từ vài giờ đến vài ngày.
- Thời kỳ khởi phát: thường rất ngắn, bệnh nhân thấy đau bụng, sôi bụng, sau đó tiêu chảy, lúc đầu có phân, sau tiêu chảy toàn nước, kiệt sức rất nhanh do mất nước.
- Thời kỳ toàn phát: Bệnh có các triệu chứng sau:
+ Bệnh nhân tiêu chảy liên tục, phân toàn nước lờ đờ như nước vo gạo trong đó có những vẩy màng màu trắng là những mảnh tế bào thượng bì niêm mạc ruột, lẫn với vi khuẩn tả, không có nhầy, máu, mũi kèm theo, số lần tiêu chảy và lượng nước mất tuỳ theo mức độ nặng nhẹ của bệnh.
+ Nôn: Bệnh nhân nôn nhiều, lúc đầu có lẫn thức ăn, sau nôn toàn nước trong hoặc vàng nhạt.
+ Bệnh nhân mệt lả, chân tay lạnh, có thể bị chuột rút, mất nước nặng: Da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp tụt hoặc không đo được, tiểu tiện rất ít, có khi vô niệu.
Bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm lây lan nhanh và dễ tử vong nhưng chúng ta có thể đề phòng được. Để ngăn ngừa bệnh và phòng dịch bệnh lây lan chúng ta cần thực hiện những khuyến cáo sau:
1. Vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường:
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Nhà vệ sinh phải đảm bảo hợp vệ sinh , cấm đi vệ sinh bừa bãi.
- Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc cloramin B sau mỗi lần đi vệ sinh .
- Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà vệ sinh , cho vôi bột, CloraminB…vào sau mỗi lần đi để sát khuẩn.
- Tránh tập trung ăn uống đông người như: Ma chay, cưới xin, cúng giỗ.
- Hạn chế người ra, vào vùng đang có dịch.
2. An toàn vệ sinh thực phẩm:
- Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi.
- Không ăn rau sống, không uống nước lã.
- Không ăn thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn đặc biệt là hải sản sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua…
3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch:
- Nguồn nước ăn, uống phải được bảo vệ sạch sẽ.
- Tất cả nước ăn, uống đều phải được sát khuẩn bằng hoá chất CloraminB.
- Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Cấm vứt xác súc vật chết và rác xuống ao, hồ, giế
4. Khi gia đình có người bị tiêu chảy cấp:
Phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Chúc thầy cô và các em có một mùa hè vui, khỏe và an toàn !