Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lí đạo đức xúc phạm, trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.
Bạo lực học đường có thể xảy ra dưới nhiều hình thức như: xúc phạm, lăng nhục, đay nghiến, chà đạp nhân phẩm, danh dự người khác, làm tổn thương về mặt tinh thần thông qua lời nói, đánh đập, tra tấn, hành hạ dã man làm tổn thương về sức khỏe, xâm phạm cơ thể con người thông qua những hành vi bạo lực.
Bạo lực học đường đã và đang phản ánh trung thực nhất sự thiếu hụt những kỹ năng đương đầu với áp lực và vượt qua thất bại ở trẻ… Điều đáng nói, hiện tượng bắt nạt học đường thường xuyên xảy ra, khiến cho các em bị ám ảnh, bị sốc có thể dẫn đến những hành động tiêu cực, dại dột. Bạo lực học đường để lại cho trẻ các vết thương tâm lý, có khi còn bị sang chấn tâm lý về sau.
Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường? Và biện pháp nào để phòng chống bạo lực học đường?
Theo chân các bạn học sinh lớp 5A2 trường TH Đô thị Sài Đồng chúng ta sẽ được tìm hiểu về nguyên nhân và biện pháp phòng chống bạo lực học đường trong trường tiểu học nhé.
Hình ảnh: Học sinh lớp 5A2 diễn tiểu phẩm tuyên truyền
Hình ảnh: Giải quyết tình huống bạo lực học đường
Từ tiểu phẩm “Cùng nhau phòng chống bạo lực học đường” của lớp 5A2 chúng ta nhận thấy một số nguyên nhân của nạn BLHĐ là:
- Bản thân học sinh thường có nhiều chuyển biến tâm lý, muốn tự khẳng định mình thể hiện cho mọi người biết.
- Sự phát triển thiếu toàn diện, thiếu hụt về nhân cách, thiếu khả năng kiểm soát hành vi ứng xử của bản thân, non nớt trong kĩ năng sống, sai lệch trong quan điểm sống.
- Do sự giáo dục chưa đúng đắn từ cha mẹ, cha mẹ thường nặng lời quát tháo con cái gây nên tổn thương không thể chữa lành, hình thành những nhân cách méo mó về giá trị sống.
- Do sự giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người “tiên học lễ, hậu học văn”.
- Do ảnh hưởng từ môi trường văn hóa bạo lực như phim ảnh, sách báo, game bạo lực, đồ chơi mang tính bạo lực (kiếm, súng...).
Bên cạnh nguyên nhân tiểu phẩm tuyên truyền của lớp 5A2 còn đưa ra được một số biện pháp cụ thể như sau:
- Xây dựng kỹ năng, giá trị sống cho bản thân, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác.
- Cần rèn luyện đạo đức, kỹ năng, nhân cách làm người., không chơi game và những trò chơi bạo lực.
- Cha mẹ cần có sự quan tâm tới con cái nhiều hơn, quan tâm tới mối quan hệ bạn bè của con.
- Nhà trường cần chú trọng công tác giáo dục đạo đức, nhân cách hơn nữa, phải hiểu rõ tâm- sinh lý của học sinh.
- Cha mẹ, thầy cô chính là tấm gương để con học tập và noi theo nên cũng cần phải có những hành động trước con trẻ một cách đúng đắn.
- Phối hợp 3 môi trường giáo dục: Gia đình – Nhà trường – Xã hội.
Thông điệp mà tập thể lớp 5A2 muốn gửi tới các thầy cô và các bạn học sinh đó là Chúng ta cần nhận thức đúng đắn về vấn nạn bạo lực học đường. Cần sống có lí tưởng, sống với trái tim yêu thương, cùng với nhà trường và toàn xã hội đẩy lùi bạo lực ra khỏi học đường. Bạo lực học đường cũng như một con virut, ngay từ khi nó nhen nhóm thì hãy diệt trừ tận gốc mầm mống đầu tiên bằng cách răn đe và xử phạt thật nghiêm minh. Ắt hẳn, nó sẽ không có điều kiện để sinh sôi và nảy nở khiến bạo lực học đường trở thành một vấn nạn trong nhà trường. Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” và để học đường là nơi giáo dục nhân cách tốt đẹp nhất cho mỗi con người.