Thực hiện Kế hoạch tập huấn chuyên môn hè 2018, ngày 14/8/2018 trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng đã tổ chức chuyên đề: “ Phổ biến sáng kiến kinh nghiệm; Phương pháp viết sáng kiến kinh nghiệm” với mục tiêu: Giúp cán bộ , giáo viên nhà trường hiểu rõ được ý nghĩa của hoạt động viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN); Định hướng nội dung viết SKKN năm học 2018 – 2019; Biết cách vận dụng những kinh nghiệm của bản thân, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp vào thực tế giảng dạy.
Hình ảnh: Đ/c PHT Trần Thị Phương Dung đang chia sẻ kinh nghiệm
Trong buổi tập huấn, đ/c Trần Thị Phương Dung – PHT nhà trường đã chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân với các đồng nghiệp và gợi ý cách để thực hiện một SKKN có hiệu quả với các nội dung sau:
Sáng kiến kinh nghiệm là những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo được tác giả tích lũy trong thực tiễn công tác, giảng dạy và giáo dục, bằng những hoạt động cụ thể đã khắc phục được những khó khăn mà với những biện pháp thông thường không thể giải quyết được, góp phần nâng cao hiệu quả rõ rệt trong công tác của người giáo viên.
* 5 bước để thực hiện một SKKN
Bước 1. Tìm ý tưởng
Bạn có thể tìm ý tưởng từ công việc giảng dạy hàng ngày, từ những bài học cụ thể mà học sinh của bạn hay mắc phải (VD: HS mới vào lớp 1 thì việc làm quen với các hoạt động của nhà trường và rèn nề nếp là vô cùng quan trọng và vất vả) => Bạn muốn giải quyết vấn đề đó giúp HS hiện tại và cũng để những lứa HS sau k mắc phải những lỗi sai đó => Đó chính là hướng mà bạn có thể (nên) nghiên cứu.
Bước 2. Xác định hướng nghiên cứu
Khi bạn đã tìm ra ý tưởng hãy tìm đọc nhiều tài liệu về vấn đề đó. Chẳng hạn như các loại sách, đề tài liên quan đến hướng n/c của bạn
Bước 3. Chọn tên đề tài
Sau khi đã có trong tay các tài liệu bạn hãy đặt cho mình tên của đề tài! Lưu ý, tên đề tài phải ngắn gọn và phải thể hiện được vấn đề bạn đang định viết. tên đề tài phải thể hiện đầy đủ đối tượng, phạm vi, chủ thể, khách thể, không gian nghiên cứu.
VD: Biệp pháp nâng cao hiệu quả hoạt động rèn nề nếp cho học sinh đầu cấp trong trường tiểu học
Bước 4. Lập đề cương
Bạn hãy thể hiện ý tưởng của mình thành một đề cương sơ khởi bao gồm những nội dung sau đây:
1. Đặt vấn đề (Lí do chọn đề tài)
VD: - Văn kiện của Đảng và nhà nước về giáo dục, đặc biệt là GDTH
- Thực trạng chung việc rèn nề nếp trong các trường TH hiện nay
2. Mục đích nghiên cứu
VD: Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, đề tài đề xuất một số biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động rèn nề nếp cho học sinh đầu cấp trong trường tiểu học.
3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
VD: Khách thể nghiên cứu: Hoạt động rèn nề nếp cho học sinh đầu cấp
- Đối tượng nghiên cứu: Biệp pháp nâng cao hiệu quả hoạt động rèn nề nếp cho học sinh đầu cấp trong trường tiểu học
4. Phạm vi nghiên cứu
VD: Đề tài tập trung nghiên cứu hoạt động rèn nề nếp cho học sinh lớp 1 ở Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng từ tháng 8/2018 đến thang3/2018
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
5.1. Nghiên cứu cơ sở lý luận về hoạt động rèn nề nếp cho học sinh cho HS đầu cấp trong trường TH
5.2. Đánh giá thực trạng hoạt động rèn nề nếp cho học sinh cho HS lớp 1 trong trường TH Đô thị Sài Đồng.
5.3. Trên cơ sở phân tích thực trạng và nguyên nhân, đề xuất một số biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động rèn nề nếp cho học sinh đầu cấp trong trường tiểu học
6. Phương pháp nghiên cứu
6.1 Phương pháp nghiên cứu lý luận
- Nghiên cứu, phân tích, tổng hợp các tài liệu liên quan đến vấn đề nghiên cứu.
- Hệ thống hóa, xác định cơ sở lý luận của đề tài.
6.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
- Điều tra, khảo sát các hoạt động quản lý thực tiễn, thống kê, phân tích số liệu.
- Tham vấn chuyên gia, nhà quản lý, đồng nghiệp
- Quan sát, tổng kết kinh nghiệm.
6.3. Các phương pháp bổ trợ: Thống kê, phân tích số liệu, biểu đồ.
Bước 5. Hoàn thiện sáng kiến:
* Cấu trúc sáng kiến kinh nghiệm
Danh mục chữ viết tắt (nếu có)
Mục lục
Phần 1. Đặt vấn đề (hoặc mở đầu, tổng quan, một số vấn đề chung)
- Trong phần này cần nêu rõ lý do chọn đề tài nghiên cứu. Lý do về mặt lý luận, về thực tiễn, về tính cấp thiết, về năng lực nghiên cứu của tác giả.
- Xác định mục đích nghiên cứu của SKKN. Bản chất cần được làm rõ của sự vật là gì?
- Đối tượng nghiên cứu là gì?
- Đối tượng khảo sát, thực nghiệm.
- Chọn phương pháp nghiên cứu nào?
- Phạm vi và kế hoạch nghiên cứu (thời gian nghiên cứu bao lâu? Khi nào bắt đầu và kết thúc?)
Phần 2. Nội dung SKKN
- Những nội dung lý luận có liên quan trực tiếp đến vấn đề nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm.
- Thực trạng vấn đề nghiên cứu.
- Mô tả, phân tích các giải pháp (hoặc các biện pháp, các cách ứng dụng, cách làm mới …) mà tác giả đã thực hiện, đã sử dụng nhằm làm cho công việc có chất lượng, hiệu quả cao hơn - Đây là phần trọng tâm của SKKN.
(Phần thực trạng và mô tả giải pháp có thể trình bày kết hợp; khi trình bày giải pháp mới có thể liên hệ với giải pháp cũ đã thực hiện hoặc những thử nghiệm nhưng chưa thành công nhằm nêu bật được sáng tạo của giải pháp mới)
- Kết quả thực hiện (Thể hiện bằng bảng tổng hợp kết quả, số liệu minh hoạ, đối chiếu, so sánh…).
Phần 3. Kết luận và khuyến nghị
- Những kết luận đánh giá cơ bản nhất về SKKN (nội dung, ý nghĩa, hiệu quả…).
- Các đề xuất và khuyến nghị.
Phần 4. Tài liệu tham khảo
* Phổ biến một số SKKN đạt giải cao của cán bộ, giáo viên nhà trường trong các năm học trước
Đồng chí Phương Dung đã chia sẻ, giới thiệu các SKKN đã đạt giải cao cấp Thành phố của các đồng chí cán bộ, giáo viên nhà trường trong các năm học trước để các đồng chí có thể học tập, chia sẻ, vận dụng kinh nghiệm của đồng nghiệp vào thực tế công tác, giảng dạy.
Ngay sau phần chia sẻ của đồng chí Phương Dung, các đồng chí giáo viên chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm của bản thân và tiếp tục tham gia vào hoạt động thực hành: Lựa chọn một đề tài SKKN các đồng chí có ý tưởng trong năm học 2018 – 2019 (bước 1, 3) và lập đề cương sơ khởi (bước 4)
Hình ảnh: Các đ/c giáo viên say sưa với hoạt động thực hành
Kết thúc buổi tập huấn, mỗi đồng chí giáo viên đã lựa chọn cho mình được một đề tài với một đề cương sơ khởi và có được những hiểu biết nhất định về phương pháp viết SKKN. Chắc chắn rằng, trong năm học 2018 – 2019, hoạt động viết SKKN của trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng sẽ đạt được kết quả cao với nhiều sáng kiến chất lượng, hiệu quả.