Căn cứ kế hoạch số 295/KH - UBND ngày 28/08/2017 của UBND quận Long Biên về việc Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử đia phương quận Long Biên và tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu cụm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Quận, sáng ngày 9/10/2017, trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng đã tổ chức cho toàn bộ học sinh khối 3 đi tham quan hai di tích lịch sử văn hóa địa phương - đình Bắc Biên và đình Thanh Am.
Hình ảnh: Đình Phúc Xá- Bắc Biên
Điểm tham quan đầu tiên là đình làng Bắc Biên, hay còn gọi là đình Phúc Xá, nằm ở ven đê Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Đình thờ Ba vị tướng của Vua Hùng là Minh Khiết Ðại Vương, Bảo Trung Ðại Vương, Hiếu Công Ðại Vương, thờ nhị vị công chúa và Thái Úy Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt.
Hình ảnh: Học sinh khối 3 trong buổi học tập thực địa tại đình Phúc Xá- Bắc Biên
Đến đây, các em học sinh được làm lễ dâng hương, tìm hiểu về lịch sử ngôi đình và thân thế sự nghiệp cụ Lý Thường Kiệt.
Hình ảnh: Học sinh làm lễ dâng hương tại đình Phúc Xá- Bắc Biên
Cụ Lý Thường Kiệt tên thật Ngô Tuấn, quê làng An Xá thuộc thành Thăng Long xưa. Cụ sinh năm Kỷ Mùi (1019), do vua ban quốc tính họ Lý nên mới gọi là Lý Thường Kiệt. Cụ mất năm 1105, được dân làng An Xá thờ trong ngôi đền ở phía bắc Bãi giữa sông Hồng. Rồi vua Lý Thần Tông (1128-1132) đổi tên làng An Xá thành Cơ Xá. Khi sông Hồng xói lở, dân Bãi giữa chuyển cả ngôi đền sang thôn Bắc Biên, sau trở thành ngôi đình chung, gọi là đình Phúc Xá. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá quốc gia (năm 1993).
Hình ảnh: Học sinh nghe giới thiệu về lịch sử đình Phúc Xá và thân thế sự nghiệp của cụ Lý Thường Kiệt
Sau khi được tìm hiểu về di tích lịch sử đình Phúc Xá và thân thế sự nghiệp của cụ Lý Thường Kiệt, các em tiếp tục cuộc hành trình đến đình Thanh Am. Thanh Am là một làng cổ có tên là làng Đuống bên dòng sông Thiên Đức của các thời đại trước được đổi thành sông Đuống hiện nay.
Hình ảnh: Đình Thanh Am
Đến đây, các em tiếp tục được các cụ bô lão trong đình giới thiệu về lịch sử của ngôi đình và thân thế sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) người làng Trung Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, thuở nhỏ được người đời khen là thần đồng. Năm 1535 ông đỗ trạng nguyên, làm quan trong triều đình nhà Mạc sau lên chức Trình Quốc Công, bởi vậy người đương thời gọi ông là Trạng Trình.
Hình ảnh: Học sinh nghe giới thiệu tại đình Thanh Am
Nguyễn Bình Khiêm làm quan nhà Mạc 8 năm thì xin về quê dạy học. Trong 8 năm ở kinh đô và cả khi đã về quê, mỗi lần vua Mạc vời ông ra kinh đô hỏi việc chính sự, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều có qua Thanh Am. Là người tài cao, học rộng, nhận ra vẻ đẹp của vùng đất màu mỡ nơi đây, ông đã cho một chi con cháu đến lập nghiệp, đặt tên ấp là Hoa Am sau đổi tên gọi là Thanh Am.
Do có nhiều công đức với dân làng nên sau khi mất, Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng hai vị tướng của Hai Bà Trưng là Đào Kỳ - Phương Dung được tôn thờ làm Thành hoàng làng Thanh Am.
Hiện đình Thanh Am còn lưu giữ đươc nhiều di vật cổ có giá trị như cuốn thần phả viết về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; một cuốn sấm ký (những lời tiên đoán của ông); 7 đao sắc phong thần cho các vi thần hoàng làng và một quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ nhất (1793)
Sau khi được tìm hiểu về hai di tích lịch sử và các danh nhân trên địa bàn quận Long Biên, các em học sinh về trường tiếp tục hoàn thành bài thu hoạch của mình. Bài thu hoạch gồm có hai phần. Trong phần I, các em sẽ trả lời câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm về những nội dung đã được tìm hiểu qua buổi học thực địa. Phần II, các em sẽ viết một bài tự luận nói lên cảm xúc của mình sau buổi học. Những bài có câu trả lời đúng nhất và bài tự luận hay nhất sẽ được các thầy cô lựa chọn và trao giải thưởng cấp trường. Một số bài xuất sắc sẽ được gửi lên phòng giáo dục quận Long Biên. Hi vọng buổi học thực địa sẽ đem lại cho các em nhiều kiến thức bổ ích. Từ đó giúp các em thêm yêu và tự hào về quê hương Long Biên của chúng ta.