Sáng ngày 28/11/2024, học sinh khối 3 trường TH Đô thị Sài Đồng đã đến tham quan, học tập tại di tích lịch sử Đình chùa Lệ Mật và Đình Tình Quang quận Long Biên.
Đoàn tham quan gồm các thầy cô giáo trong BGH, GVCN và các bạn học sinh khối lớp 3. Chuyến tham quan là hoạt động thực địa thiết thực của thầy và trò nhà trường nhằm thực hiện chỉ đạo của Kế hoạch số 425/KH-UBND ngày 22/10/2024 của UBND quận Long Biên về tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu cụm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Quận Long Biên năm 2024 – 2025; kế hoạch số 209/KH – THĐTSĐ ngày 20/11/2024 về việc tổ chức tham quan di tích lịch sử quận Long Biên của trường TH Đô thị Sài Đồng.
Háo hứng và thích thú là tâm trạng chung của rất nhiều học sinh có mặt trên chuyến xe ý nghĩa. Đúng 7 giờ 45 phút, chuyến hành trình đưa các em học sinh đến với Đình chùa Lệ Mật– phường Việt Hưng - quận Long Biên.
Đình Lệ Mật nằm trong một cụm di tích quốc gia bao gồm đình và chùa làng Lệ Mật, tại phố Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên. Theo người dân làng Lệ Mật kể lại thì trước đây, đình Lệ Mật nằm ở vị trí khác, chính nơi đây là đất của chùa.
Thầy và trò nhà trường không khỏi ngạc nhiên bởi lối kết cấu kỳ lạ: Tam quan chùa cao lớn sừng sững, đứng án ngữ trước tổng thể di tích đình Hạ (bao gồm nghi môn, sân, phương đình, 4 dãy tảo mạc và chính đình). Nó vừa mang đậm dấu ấn xưa cũ của ngôi chùa làng, vừa là chứng tích ghi nhận một "sự kiện" trong lịch sử văn hóa làng Lệ Mật.
Từ con đường rước kiệu vào tới nghi môn đình, khách tham quan phải đi qua 3 "mảng" di tích: đó là giếng đình, miếu công chúa và tam quan chùa Lệ Mật. Ngoài ra, cũng nằm trong quần thể di tích này còn có ao đình rộng tám sào nằm đối diện với tam quan chùa.
Tham quan đình Lệ Mật
Giếng đình: Là giếng tự nhiên, có tên gọi Thiên Hồ Lệ (Giếng thiên tạo). Trải qua nhiều đời vẫn còn nguyên vẹn, hầu như không bị sụt lở. Xưa, cả làng Lệ Mật gánh nước giếng về ăn. Giếng đình gắn kết với nhiều giai thoại, truyền thuyết xung quanh vị thành hoàng Lệ Mật. Trong tâm thức dân gian Lệ Mật, cùng với miếu công chúa, giếng là một trong những "di tích thiêng".
Miếu công chúa: Người được thờ trong miếu là con gái vua Lý Thái Tông (được chàng trai họ Lệ Mật vớt lên sau trận giao tranh với thủy quái). Người dân cho rằng ngôi miếu xuất hiện như một sự tri ân đối với vị Thành hoàng đang được thờ phụng trong đình. Miếu công chúa có kích thước nhỏ bé (rộng 6m2) với kết cấu kiến trúc, điêu khắc đơn giản. Nhưng điều kỳ lạ nhất là nó gắn kết chặt chẽ với một cây đa cổ thụ: một phần mái gắn sâu vào thân cây, trong khi phần mái còn lại bị rễ bao phủ. Trên cây đa, giữa chạc ba của thân cây mọc lên một cây cọ. Dân làng và khách thăm quan đều cho rằng đây là một hiện tượng "có một không hai". Miếu công chúa rất thiêng, còn được dân làng gọi là "miếu trình" hay "miếu chúa", vì hàng năm vào dịp hội làng, vào khoảng 8 giờ sáng ngày 22-3 âm lịch diễn ra tục đánh cá ở giếng đình. Cá được đánh từ giếng lên, trước khi mang vào đình đều phải "trình" (đặt lên ban thờ rồi thắp hương) qua miếu công chúa.
Hình ảnh: Học sinh chăm chú lắng nghe Ban quản lý di tích đình Lệ Mật giới thiệu
Điểm dừng chân thứ 2 trong chuyến tham quan là Đình Tình Quang tại phường Giang Biên.
Đình Tình Quang cách Trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 15km về phía Đông – Bắc, tọa lạc giữa khu dân cư của thôn Tình Quang, xã Giang Biên, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 3, phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Đình Tình Quang thờ 3 vị Thành hoàng làng là Lý Bí (Lý Nam Đế), Đinh Điền – Một tướng giỏi của Đinh Bộ Lĩnh và Lý Chiêu Hoàng – Vị vua cuối cùng của triều Lý. Công lao và sự nghiệp của các vị thành hoàng làng đã được ghi chép rất kỹ trong các bộ chính sử, dã sử và các truyền thuyết dân gian ở địa phương.
Tại đây, giáo viên và các em học sinh đã dâng nén hương tỏ lòng thành kính tới thành hoàng làng. Cùng với đó, đoàn tham quan đã được các cụ, các ông trong Ban di tích lịch sử của đình giới thiệu về lịch sử ra đời và ý nghĩa của Đình Tình Quang; cùng tham quan một số di tích, cổ vật trong đình.
Hình ảnh: Học sinh chăm chú lắng nghe Ban quản lý di tích đình Tình Quang giới thiệu
Chuyến đi không chỉ cung cấp kiến thức về lịch sử mà giúp các em mở rộng tầm hiểu biết, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước. Từ đó các em nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trên mảnh đất Long Biên rồng thiêng và cả trên đất nước Việt Nam yêu dấu.
Một số hình ảnh hoạt động: