Các vùng biển, đảo của nước ta có vị trí chiến lược rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là nơi có nhiều nguy cơ gây mất ổn định, uy hiếp chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển của ta. Đồng thời, biển còn là kho lưu giữ các bí mật của quá khứ, ghi nhận những trang sử hào hùng về các cuộc chiến tranh giữ nước và lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam.
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ở phía Đông tổ quốc nơi mà các anh hùng đã phải đổ bao mồ hôi, công sức và cả máu thịt để dựng xây và gìn giữ. Chính vì vậy, từ lâu biển thực sự là bộ phận, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, là di sản của dân tộc, là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho người dân.
Thời vua Lê Thánh Tông đã cho vẽ bản đồ mang tên “Hồng Đức bản đồ”. Đến những năm đầu thế kỷ XVII một nho sinh tên là Đỗ Bá đã vẽ bản đồ này với tên gọi thân thương là Bãi Cát Vàng. Khi nói đến Hoàng Sa, Trường Sa chúng ta càng tự hào khi thấy bản đồ mà Phan Huy Chú đã vẽ năm 1834 (triều vua Minh Mạng) khẳng định rõ ràng Hoàng Sa, Trường Sa, Bãi Cát Vàng đó thuộc về Việt Nam.
Năm 1776 khi Lê Quý Đôn được vào nhận chức ở Thuận Hóa cũng viết và kể lại rằng có những đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải mà Chúa Nguyễn đã cử ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để thu lượm những sản vật, những đội đó có những lễ khao lề thế lính mà giờ đây ở những làng ven biển vẫn tổ chức hàng năm vào tháng 3 Âm lịch. (Tháng 8/2011 phát hiện thêm một bài văn tế lính Hoàng Sa - Trường Sa ở ngay trong đất liền, tại thôn Gia Hòa, xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Như vậy, không chỉ ở Lý Sơn mới tổ chức các nghi lễ về khao lề thế lính Hoàng Sa - Trường Sa mà ngay ở trong đất liền (các vùng ven biển) của tỉnh Quảng Ngãi cũng từng tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa - Trường Sa). Ngày 28/4/2013, tại đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn lễ đón nhận bằng “Di sản văn hóa phi vật thể lễ khao lề thế lính Hoàng Sa” đã được tỉnh Quảng Ngãi long trọng tổ chức – Đây là việc làm có ý nghĩa to lớn, một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa… Gắn liền với cuộc sống của cư dân đảo ngoài những lễ nghi truyền thống còn có hơi thở của biển, của tiếng ốc u năm xưa mà cho đến bây giờ vẫn còn vang xa: “Ốc u đã thổi lên rồi, để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”
Lịch sử trải dài mấy trăm năm, không chỉ xác lập chủ quyền bằng những đội hùng binh ấy mà đến đầu thế kỷ XX, trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã có thêm nhiều hoạt động về khoa học kỹ thuật như: khảo sát xây dựng hải đăng, lập trạm vô tuyến, đặt trạm khí tượng thủy văn cung cấp số liệu quan trắc cảnh báo thời tiết cho khu vực và tổ chức Khí tượng thế giới,….
Giai đoạn đất nước bị chia cắt thành hai miền, phần lãnh thổ đảo Hoàng Sa, Trường Sa vẫn thuộc chính quyền Cộng hòa miền Nam Việt Nam quản lý. Năm 1961 Nha khí tượng đã có những quyết định cử những người có trách nhiệm ra đảo để làm nhiệm vụ. Những văn bản cứ tiếp nối như vậy để chúng ta thấy được rằng bằng chứng của chúng ta về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa rất rõ ràng, xác thực, sự quản lý đó có tính chất Nhà nước.
Trải qua những biến thiên của lịch sử, năm 1975: Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam vinh dự nhận nhiệm vụ hành quân, tiến công và ra tiếp quản các đảo, quần đảo. Ngày 14/4/1975 đảo Song Tử Tây được giải phóng, tiếp theo là các đảo Sơn Ca (25/4), Nam Yết (27/4) và đảo Trường Sa (28/4). Sáng ngày 29/4 thêm 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa được giải phóng.Các đơn vị hải quân đã sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.
Sau khi đất nước thống nhất, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thường xuyên đến thăm và động viên tinh thần các chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ nơi đảo xa, với trách nhiệm cao cả bảo vệ biên cương hải đảo: Năm 1976 chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã gửi lẵng hoa chúc mừng các chiến sĩ hải quân hoàn thành nhiệm vụ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Đại tướng Lê Đức Anh cũng thường xuyên thăm hỏi, kiểm tra công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu ở Trường Sa.
Để đáp lại lòng kỳ vọng của Đảng của nhân dân với trọng trách lớn lao bảo vệ vùng biển vùng trời của Tổ quốc, các chiến sĩ hải quân luôn luôn vững tay súng, vượt qua muôn vàn khó khăn để ổn định cuộc sống, hăng say học tập và rèn luyện, thường xuyên tần tra canh gác để sẳn sàng ứng phó với mọi tình huống. Với tấm lòng kiên trung “Đảo là nhà – biển cả là quê hương”, lực lượng vũ trang ở Trường Sa luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao nơi đầu sóng ngọn gió.
Thời gian qua, các phong trào “Góp đá xây Trường Sa”,“Vì Trường Sa thân yêu”, “Nước ngọt cho Trường Sa”, “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, “Chung tay thắp sáng nhà giàn DK1” ,“Cả nước vì Trường Sa”,…. đang được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước...
Hướng ứng “ Tuần lễ Biển hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới năm 2017” học sinh Tiểu học Đô thị Sài Đồng hãy chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên biển và bảo vệ chủ quyền hải đảo Việt Nam. Nói không với những nội dung tuyên truyền xuyên tạc, trái sự thật về Biển và hải đảo quê hương các em nhé!